Thái Nguyên: Nhiều người bị chó dại cắn không tiêm phòng vì... tiếc tiền

Thái Nguyên là nơi đang có tỷ lệ bùng phát bệnh dại lên tới 200%. Do vaccine phòng dại quá đắt nên bị chó cắn, nhiều người tiếc tiền không dám đi tiêm phòng dẫn tới tử vong đáng tiếc.

Chết do tiếc tiền

Cứ 7 giờ sáng mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đều đông nghịt người đến tư vấn và tiêm phòng bệnh dại. Y sĩ Nguyễn Ngọc Tú- cán bộ phụ trách tiêm phòng dại cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 22.5, cả huyện đã có 413 ca đến tư vấn và tiêm phòng dại, trong đó có 1 ca tử vong. So với tình hình dịch dại năm 2014, số ca bị chó cắn cũng đã tăng lên.

Thái Nguyên: Nhiều người bị chó dại cắn không tiêm phòng vì... tiếc tiền - 1

Tiêm phòng và tư vấn bệnh dại ở Trung tâm Y tế huyện Đại Từ.  Ảnh:  D.L

Bà Nguyễn Thị An (80 tuổi trú tại xóm Chiến Thành, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ) ôm bàn chân rỉ máu được băng bó sơ sài cho biết, bà bị chó nhà cắn, chảy máu. Chó chưa được tiêm phòng, khi bị cắn bà cũng không biết nên dùng tay nặn vết thương cho máu chảy với hy vọng sẽ bớt virus dại. Nhưng nay đến đây được y sĩ Tú tư vấn là nặn vết thương sẽ khiến virus dại phát tán nhanh hơn bà càng lo ngại.

Anh Hoàng Văn Bình (42 tuổi, xóm Bình Thuận) cũng cho biết, xóm nhà anh nuôi rất nhiều chó, mỗi nhà 2-3 con, hầu hết đều thả rông. Anh bị con chó hàng xóm cắn đã được 3 hôm nhưng anh tiếc tiền không đi tiêm. Đến giờ con chó bị ốm, bỏ cơm nên anh sợ quá, phải đi tiêm phòng.

Theo y sĩ Tú, trung bình mỗi ngày đều có 3-4 ca chó cắn đến tiêm phòng dại, có ngày cao điểm hơn 10 ca. Tính cả số ca mới và ca cũ đến tiêm, mỗi ngày anh phải tiêm cho 30 người. Có nhiều ca nặng, bị cắn ở vùng nhiều dây thần kinh, nguy cơ mắc bệnh dại cao thì phải chuyển lên tuyến trên tiêm huyết thanh.

Ông Hoàng Anh – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Sở Y tế Thái Nguyên) cho biết, năm 2014 dịch dại ở tỉnh tăng vọt với gần 10.000 ca tiêm phòng dại do bị chó cắn (tăng gấp đôi so với năm 2012, 2013), trong đó có 2 ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong vòng tháng 4 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có gần 4.100 ca tiêm phòng dại, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2014, tăng 200% số ca tử vong do dại cả năm 2014. Đặc biệt, có đến 3 ca tử vong xác định là do virus dại và 1 ca tử vong nghi chó cắn đang được điều tra, là tỉnh dẫn đầu cả nước về số tử vong do bệnh dại. Trong 3 ca tử vong do virus dại thì 2 ca bị chó cắn không đi tiêm phòng dại, 1 ca bị cắn vào vùng đầu mặt đã tiêm vaccine nhưng vẫn tử vong.

Kiến nghị thanh toán BHYT vaccine phòng dại

Ông Ngô Thao – tổ mạng lưới thú y xã Bản Ngoại (huyện Đại Từ) cho biết, năm 2015, cả xã được giao kế hoạch tiêm phòng cho 445 con chó nhưng số mũi tiêm phòng dại cho chó gần 600 mũi. Tuy nhiên ước tính cũng chỉ đạt 2/3 đàn chó trong xã. “Cán bộ thú y được trang bị cho 3 chiếc thòng lọng để bắt chó, rất sơ sài. Trong khi nhiều nhà chó dữ, chó thả rông, rất khó bắt. Có nhà nuôi 3-4 con chó, tiếc tiền hoặc sợ chó khi tiêm bị chết cũng không muốn tiêm” – ông Thao chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Hậu (xóm Bản Ngoại) cho biết, đến đợt tiêm phòng chó nhà chị có thai, không muốn tiêm nhưng sau khi chó đẻ, chị muốn tiêm bổ sung thì xã không còn vaccine, cán bộ cho biết chỉ tiêm theo đợt.

Theo ông Hoàng Anh, vaccine phòng dại tiêm cho chó có giá 19.000 đồng/con nhưng nếu bị chó cắn, tùy vào tổng số tiền tiêm phòng dại cho người có thể lên đến gần 2.000.000 đồng, đắt gấp hơn 100 lần. Nếu vết thương nhẹ, ở các vị trí ít dây thần kinh như chân, đùi thì bệnh nhân chỉ cần tiêm vaccine (hơn 160.000 đồng/mũi, tổng 5 mũi), nhưng nếu vết thương hở, chảy máu ở các vùng đầu, mặt còn phải tiêm 2-3 lọ huyết thanh (giá 500.000 đồng/lọ).

Hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên đã liên kết với Sở Y tế bán bảo hiểm “phòng dại” cho đàn chó. Nếu như chó đã tiêm phòng dại mà vẫn cắn người thì người bị cắn sẽ được chi trả 300.000 đồng, nếu tử vong được chi trả 10 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền mà bảo hiểm chi trả nếu bị chó cắn vẫn còn quá thấp so với giá vaccine tiêm phòng bệnh dại. “Ngoài việc tiếp tục vận động người dân đi tiêm vaccine phòng dại cho chó. Chúng tôi cũng kiến nghị bảo hiểm xã hội nên đưa tiêm vaccine phòng dại trên người vào chi trả bảo hiểm y tế . Vì chó cắn cũng giống như một loại bệnh bất thường, cần phải chia sẻ khó khăn với người dân” – ông Hoàng Anh kiến nghị.

Dịch dại đang “nóng”

Theo Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 93.000 ca bị chó cắn đi tiêm phòng, trong đó có 20 người tử vong do bệnh dại. Một số địa phương có số ca bị chó cắn cao như thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước. 

Ông Nguyễn Đức Khoa – Phó phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) cho biết, dịch dại đang nóng trở lại ở một số địa phương. Cho dù đã được tuyên truyền nhiều tuy nhiên tập quán nuôi chó thả rông vẫn chưa được khắc phục. Nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm đàn chó chỉ đạt 50-60% trong khi tỷ lệ tối thiểu để đạt được miễn dịch dại trên đàn chó phải là 70%. Theo ông Khoa, hiện một số tỉnh đã trích ngân sách trợ cấp kinh phí cho người nghèo bị chó cắn đi tiêm phòng dại. Tuy nhiên, số tiền gần 2 triệu đồng tiêm phòng vẫn quá cao trong khi người bị chó cắn lại thường là nông dân, sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn. Bộ Y tế đã từng kiến nghị tiêm phòng bệnh dại trên người vào danh mục bệnh được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, tuy nhiên chưa được xem xét. 

Nguyên nhân cơ bản của việc dịch dại bùng phát tại Thái Nguyên vẫn là do tập quán nuôi chó thả rông của người dân. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, toàn tỉnh có khoảng 280.000 con chó nhưng tỷ lệ tiêm phòng mới đạt 58%.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN