Tất cả những gì bạn cần biết về Whitmore, vi khuẩn ăn mòn cơ thể vừa quay trở lại Việt Nam
Số ca bệnh whitmore ăn mòn cơ thể đang gia tăng tại một số tỉnh, thành. Nhiều người lo ngại, bệnh này sẽ trở thành dịch?
Số ca bệnh whitmore ăn mòn cơ thể đang gia tăng
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 12 ca mắc Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong.
Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc Whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn Whitmore ăn cánh mũi.
Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn Whitmore ăn cánh mũi.
Ngày 12/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, tiếp nhận ông Đặng Xuân Hà, 61 tuổi, vào viện ngày 12/9 do sốt cao, hai ngón chân phải có khối áp xe sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi.
Trong quá trình điều trị tại khoa Nội tiết bệnh nhân có diễn biến nặng dần như sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Sau đó, các bác sĩ chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore. Ông Hà bị vi khuẩn Whitmore ăn cụt ngón chân.
Ngay sau đó, thông tin từ BV Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore.
Ngày 15/9, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân tên là M.V.D (45 tuổi trú tại La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên) bị mắc bệnh Whitmore.
Như vậy, số ca bệnh Whitmore ăn mòn cơ thể đang gia tăng. Nhiều người lo ngại, bệnh này sẽ trở thành dịch? Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ thì bệnh nhân mắc bệnh Whitmore rất dễ tử vong.
Bệnh Whitmore ăn mòn cơ thể có thành dịch?
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề.
Hơn nữa, Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Những người tiếp xúc với bùn đất không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh.
“Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người song với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da”, GS Nguyễn Văn Kính nhận định.
Đáng lưu ý bệnh Whitmore không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, viêm phổi, apxe ở lách và thận… Vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào?
GS.TS Nguyễn Văn Kính cảnh báo, bệnh Whitmore nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhất chính là thể bệnh Whitmore nhiễm trùng máu, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Khi nói đến bệnh Whitmore thì có nhiều thể bệnh khác nhau, có thể bệnh mạn tính và cũng có thể bệnh diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không được chủ quan với bệnh Whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, có vết thương nhiễm bẩn đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên các đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…
Bệnh whitmore có lây từ người sang người?
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bệnh Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Tuy nhiên, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người.
Chủ yếu là vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước sinh hoạt do tai nạn.
Những dấu hiệu nào để phát hiện sớm bệnh Whitmore
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, để phát hiện một người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore hay không thì bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn thì mới tìm ra được vi khuẩn.
Tuy nhiên, dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu. Biểu hiện này xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp với đất thì bác sĩ hãy nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore và cho chỉ định cấy máu, mủ, đờm hoặc nước tiểu ngay.
Cách phòng tránh bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore chưa có vắc-xin phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn….
Người đàn ông 61 tuổi ở Hà Tĩnh phải nhập viện do nhiễm vi khuẩn ăn mòn cơ thể.