Tâm sự của bác sĩ ngày ngày vật lộn, cứu chữa bệnh nhân ngộ độc rượu

Hàng ngày chứng kiến cảnh bệnh nhân ngộ độc rượu vật lộn với cái chết, bác sĩ Xuân dần khiếp sợ rượu. Mặc dù ngày nào cũng có người ngộ độc rượu, tử vong, nhưng có lẽ người ta chỉ quan tâm tới thứ chất lỏng kịch độc sau vụ ngộ độc 29 người bị.

Tâm sự của bác sĩ ngày ngày vật lộn, cứu chữa bệnh nhân ngộ độc rượu - 1

Hôn mê vì ngộ độc methanol

21 người ngộ độc rượu 

Theo Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong vòng 2 tuần, Hà Nội đã ghi nhận 21 trường hợp ngộ độc rượu methanol, đa số ở các quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông.

Khi vào nhập viện, các bệnh nhân có các triệu chứng như: Người mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ, có bệnh nhân hôn mê. Xét nghiệm Methanol trong máu cao (từ 40,9 – 330,6 mg/dl) chẩn đoán ngộ độc Methanol.

Gần đây nhất là 12 sinh viên thuê trọ ở Yên Hoà, Cầy Giấy, Hà Nội đã mua rượu về uống mừng 8/3 thì cả 12 bạn đều ngộ độc.

Trước đó 2 ngày, 4 người cùng làm tại một công ty ở Đê La Thành Hà Nội cũng mua rượu uống và bị ngộ độc cả 4 người.

Đa số các bệnh nhân ngộ độc rượu đều có tiền sử thường xuyên uống rượu và mua rượu không rõ nguồn gốc ở các hàng tạp hoá, quán cơm.

Như trường hợp của anh Lê Văn T. quê Hà Tĩnh, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội sau khi uống rượu tại một quán phở ở Hà Nội, hai ngày sau anh có dấu hiệu mờ mắt và dẫn đến hôn mê sâu.

Dù được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng vì ngộ độc methanol quá nặng nên tình trạng quá nguy kịch, anh T. đã được gia đình xin về để tử vong ngoại viện.

Nỗi đau dường như nhân lên gấp bội khi chồng uống rượu mà vợ không biết. Vợ anh T. tâm sự, bình thường anh rất thương vợ con và ít uống rượu. Ngày trước anh làm xa nhà khoảng 2 năm, gần đây mới chuyển về gần nhà để làm việc tại Trung Kính, Hà Nội. 

Trước đó hai ngày, bạn bè đồng nghiệp của anh T., kể, anh có ăn sáng và uống cốc rượu nhưng họ không biết ăn ở khu nào, quán nào. Chỉ đến khi mắt mờ, chân tay run, người không thở được, phải cấp cứu rồi dần hôn mê sâu, thở máy, cả nhà lẫn bè bạn mới ngỡ ngàng.

Rồi anh chết vì cốc rượu chứa cồn công nghiệp. Khi làm xét nghiệm methanol, bệnh nhân bị ngộ độc methanol ở nồng độ cao, lên tới 47,6 ml/dL, đây là nồng độ cực kỳ nguy hiểm.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn T. trú tại Hà Nội, nhập viện do ngộ độc rượu methanol kèm theo sảng rượu. Dù đang hôn mê không biết gì nhưng những cơn sảng rượu vẫn hành hạ ông T.

Tâm sự của bác sĩ ngày ngày vật lộn, cứu chữa bệnh nhân ngộ độc rượu - 2

Bệnh nhân chảy máu tiêu hoá, sảng rượu tại khoa tiêu hoá 

Người ông co, gồng lên để chống đỡ với cơn thèm rượu. Con gái ông kể, cha mình hay rượu từ chục năm nay. Đàn ông uống rượu chẳng ai có thể cấm được, chỉ đến khi ông T. thấy mắt mờ, người mệt mỏi nhưng không rõ vì sao.

Ông vào bệnh viện khám vì mờ mắt và chỉ vài giờ sau thì rơi vào hôn mê và được chuyển sang trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán nghi ngộ độc methanol. Dù chưa có kết quá xét nghiệm máu nhưng các bác sĩ vẫn tiến hành thải độc, lọc máu để cấp cứu bệnh nhân.

Nỗi ám ảnh của người thân, bác sĩ

Bà Nguyễn Thị C. trú tại Hà Nội, có chồng là nạn nhân của ngộ độc rượu, đau xót kể: Gia đình bà làm nông là chính. Mấy năm nay vợ chồng ra Hà Nội làm thuê. Nào ngờ chồng bà lại ngộ độc rượu phải vào cấp cứu.

Chồng uống rượu từ khi nhỏ nên khi lấy nhau, bà chẳng quản được chồng. Ông hay uống nhưng uống xong không mắng chửi mà chỉ nằm im ngủ. Năm ngoái ông đã vào viện vì giãn tĩnh mạch thực quản trên nền xơ gan. Tưởng chồng đã sợ rượu, nào ngờ vẫn giấu diếm vợ con, tranh thủ uống rượu dẫn đến ngộ độc rượu. Gia đình bà phải thay nhau vất vả trông chừng ông trong bệnh viện.

BSCK II Đặng Thị Xuân – Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, hầu như tuần nào, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu và số người chết cũng không phải ít. Tuy nhiên, người ta chỉ quan tâm tới chất lỏng cực độc này sau vụ 29 người bị ngộ độc, trong đó có 9 ca tử vong.

Là người làm ở trung tâm chống độc lâu năm, tiếp xúc với những bệnh nhân bị ngộ độc rượu, bác sĩ Xuân thấy sợ rượu. Chị kể “Về nhà có chai rượu nào, thậm chí là rượu đóng chai được tặng, tôi cũng đều sợ và không dùng”.

Được biết, khi uống rượu methanol, trước khi gây độc, thành phần methanol trong rượu sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic. Nồng độ axit formic trong máu cao sẽ gây ức chế dẫn tới thiếu oxy tế bào.

Tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt làm bạn bị mù. Nặng hơn methanol sẽ gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp, nguy hiểm tới tính mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Thúy (Infonet)
Ngộ độc rượu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN