Tại sao những người hút thuốc có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn bình thường?
Các chuyên gia thường nhấn mạnh rằng những người có hệ miễn dịch yếu, người già và người có bệnh nền thường dễ nhiễm Covid-19. Vậy còn những người hút thuốc có nguy cơ mắc Covi-19 cao hơn hay không?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người hút thuốc dễ nhiễm virus hơn rất nhiều. Điều này là do khi hút thuốc, họ sẽ chạm tay có thể chứa SARS-CoV-2 lên miệng, virus sau khi tiếp xúc với miệng sẽ tìm đường vào cơ thể. Và hành động chia sẻ thuốc cũng đồng nghĩa với việc lây lan virus cho người khác.
SARS-CoV-2 và hút thuốc
Hệ hô hấp hay phổi của những người thường xuyên hút thuốc vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Nguyên nhân là do những hợp chất có hại trong khói thuốc xâm nhập rất sâu vào đường hô hấp và lắng đọng trong phế nang của phổi. Qua thời gian, quá trình này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc ung thư khoang miệng.
Trong khi đó, Covid-19 lại ảnh hưởng chủ yếu đến hệ hô hấp và khiến họ gặp các vấn đề từ nhẹ đến nặng như khó thở, ho và viêm phổi. Các chuyên gia y tế nói, khi virus đến được đường hô hấp, trước tiên chúng gây viêm đường dẫn khí sau đó là niêm mạc đường thở. Hậu quả là gây ho dai dẳng và khó thở - những triệu chứng nhẹ của người nhiễm virus.
Nếu tình trạng chuyển biến phức tạp hơn, virus sẽ đánh chiếm được phế nang hoặc túi khí và sẽ gây nhiễm trùng tại đây. Do phế nang đã bị nhiễm trùng nên chất gây viêm trong túi khí được giải phóng cũng sẽ khiến cho túi khí rơi vào tình trạng tương tự. Chất này thường ở dạng lỏng. Hiện tượng trên sẽ dẫn đến viêm phổi vì cơ thể không nhận đủ oxi bởi sự lắng đọng của chất lỏng trong túi khí.
Trong trường hợp của SARS-CoV-2, một phần lớn của phổi bị ảnh hưởng. Kể cả khi hệ thống miễn dịch cố gắng chiến đấu chống lại nhiễm trùng thì kết quả không khả quan hơn là mấy bởi đây là virus mới đối với con người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là những người vốn đã bị tổn thương phổi do hút thuốc, thường có các triệu chứng sớm so với những người không hút thuốc.
Tác động lên khả năng miễn dịch
Theo nghiên cứu, ước tính khoảng 1 nửa số người trưởng thành mắc viêm phế cầu khuẩn là những người hút thuốc. Ngoài ra những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm phế cầu khuẩn tăng lên tới 51%, con số này ở người hút thuốc thụ động là 17% và 14% ở những người mắc bệnh mãn tính.
Nếu xem xét các báo cáo trước đây của hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) xảy ra vào 2012, thì sẽ nhận thấy những người hút thuốc và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đã mắc bệnh sớm hơn so với những ai không hút thuốc và những người khỏe mạnh.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm chỉ ra rằng protein có tên gọi là Dipeptidyl peptidase-4 (DPP4) trong cơ thể người hút thuốc thường tăng cao, khiến các tế bào phổi dễ bị nhiễm MERS-CoV.
Ai cũng như ai
Có rất nhiều kiểu người hút thuốc: Những người hút thuốc liên tục, những người hút thuốc không thường xuyên và người hút thuốc thụ động. Điều đáng chú ý ở đây là những người hút thuốc không thường xuyên luôn nghĩ rằng họ chỉ hút 2 đến 3 điếu một ngày, nên ít có nguy cơ nhiễm bệnh hơn những người hút thuốc liên tục. Ý nghĩ này cũng lặp lại trong đầu của những người hút thuốc thụ động.
Thế nhưng, trớ trêu một điều là tất cả bọn họ đều dễ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc bất kỳ bệnh hô hấp nào như người hút thuốc liên tục vì vốn dĩ, 2 lá phổi đều đã tiếp xúc với các chất gây ung thư hoặc độc tố theo cách này hay cách khác.
SARS-CoV-2 và thuốc lá điện tử
Theo một nghiên cứu xuất bản tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục về Kiểm soát Thuốc lá tại Đại học California, San Francisco của tiến sĩ Stanton A. Glantz, việc tiếp xúc với thuốc lá điện tử các loại cũng làm giảm sự hiệu quả của hệ miễn dịch của cơ thể. Tác động ức chế miễn dịch của thuốc lá điện tử có hại ở cấp độ gen vì nó làm thay đổi biểu hiện của hơn 60 gen.
Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra thuốc lá điện tử có thể làm giảm chức năng của bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính (NET), vốn có chức năng trói buộc các mầm bệnh trong cơ thể.
Lời khuyên cho người hút thuốc
Bỏ thuốc lá có lẽ sẽ là quyết định tốt nhất cho cuộc đời của bạn. Dù việc này đòi hỏi ý trí quyết tâm rất lớn nhưng trong hoàn cảnh hiện tại với những gì mà SARS-CoV-2 gây ra cho người bệnh, đây là lựa chọn đúng đắn nhất một người có thể đưa ra để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh trong trường hợp xấu nhất.
Ngừng hút thuốc không chỉ cải thiện chức năng phổi mà còn khiến bạn chịu ít tổn thưởng do Covid-19 gây ra với hệ hô hấp. Còn với những ai có thể từng nghĩ đến việc bỏ thuốc thì đây là thời điểm tốt nhất để chia tay hoàn toàn với điếu thuốc và bắt đầu một cuộc sống lành mạnh.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Cam, cà rốt, bông cải xanh,… là những thực phẩm có thể giúp tống nicotine ra ngoài.
Nguồn: [Link nguồn]