Tại sao cứ đi khám phải làm xét nghiệm?
“Người bệnh xét nghiệm ở nơi này không được nơi khác chấp nhận. Cứ đi khám bệnh là phải làm xét nghiệm mới làm tốn thời gian, tăng chi phí của người bệnh”.
PGS-TS Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng xết nghiệm y khoa do Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm nay (9/1).
Ông Sơn cho biết, trong xét nghiệm cũng cần có y đức. Y đức trong xét nghiệm là cái gì, đó chính là chất lượng. Chất lượng xét nghiệm thể hiện y đức. Chất lượng là kết quả đưa ra phải đảm bảo chính xác, đáp ứng lòng tin của người bệnh”.
Ông Sơn đưa ra một thực tế hiện nay là người bệnh xét nghiệm ở nơi này không được nơi khác chấp nhận. Cứ đi khám bệnh là phải làm xét nghiệm mới làm tốn thời gian, tăng chi phí của người bệnh.
Theo ông Sơn, nguyên nhân chính của vấn đề này là các bệnh viện không tin tưởng kết quả của nhau do phòng xét nghiệm chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó là vấn đề lợi nhuận, dẫn đến lạm dụng xét nghiệm, nhất là y tế tư nhân và dịch vụ của nhà nước.
Ông Sơn cho biết, cũng có trường hợp phải xét nghiệm lại, khi đó trách nhiệm của bác sĩ là phải tư vấn, giải thích đầy đủ cho người bệnh hiểu. Bên cạnh đó thì cũng cần phải có lộ trình tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn. Tiến tới xét nghiệm một cửa, nhanh chóng, hạn chế phiền hà. Kiên quyết chông lạm dụng xét nghiệm.
Ông Sơn cũng cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra việc trang bị và sử dụng máy móc, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm một cách thường xuyên, định kỳ đẻ đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.