Tai biến sản khoa: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau hàng loạt các ca tai biến sản khoa, Bộ Y tế trấn an người dân bằng những kết luận quen thuộc: Bệnh viện đã làm hết trách nhiệm và bệnh nhân tử vong là ngoài mong muốn.

Hiện tại Quảng Ngãi có số ca tai biến sản khoa làm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong cả mẹ và sơ sinh nhiều nhất trong năm 2012.

Ông Nguyễn Duy Khê, vụ trưởng vụ Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế trong nhiều lần tiếp xúc với báo chí đều thừa nhận “Bộ Y tế không đổ hết lỗi cho nguyên nhân khách quan”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Khê nói thực tế, các chỉ số về sức khoẻ và bà mẹ, trẻ em cũng được đánh giá cao so với các nước trong khu vực.

Theo tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ tử vong mẹ là 69/100.000 ca đẻ sống, giảm ba lần so với năm 1990 và thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar… Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh còn 14/1.000 ca đẻ sống vào năm năm 2011. Đánh giá tỷ lệ tử vong hiện nay cao hay thấp hơn cũng khó. Thời gian qua số ca tử vong được mọi người biết đến nhiều một phần do báo chí tích cực vào cuộc. Tai biến sản khoa tuyến nào cũng có, nhưng chủ yếu xảy ra ở tuyến huyện và bệnh viện tư nhân. Nguyên nhân tử vong sản khoa hàng đầu: là băng huyết, nhiễm độc thai nghén, nhiễm trùng.

Tai biến sản khoa: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Anh Lê Văn Vũ, chồng của sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly đau đớn trước cái chết của con tại BV đa khoa Quảng Ngãi hôm 19/11

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, tỷ lệ tử vong mẹ giảm nhưng báo cáo "Đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế và đáp ứng của Việt Nam đối với chiến lược toàn cầu về sức khoẻ phụ nữ và trẻ em" vừa được bộ Y tế và cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam đưa ra ngày 26/11 cho thấy, tỷ suất chết mẹ ở 62 huyện nghèo nhất cao gấp năm lần tỷ suất trung bình của quốc gia; tỷ suất chết trẻ em ở một số tỉnh cao gấp từ 5 - 6 lần so với một số tỉnh, thành phát triển hơn.

Tại hội nghị giao ban tuyến chuyên ngành sản phụ khoa với 31 tỉnh, thành phố vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận: trình độ chuyên môn kỹ thuật phẫu thuật sản phụ khoa cấp cứu ở một số đơn vị hạn chế vì vậy còn những biến chứng nặng nề như: viêm phúc mạc, bục vết mổ, nhiễm trùng tử cung… vẫn còn xảy ra, thậm chí chưa tiên lượng được nên còn chuyển tuyến muộn.

TS Quyết đưa ra ví dụ như Bệnh viện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), cách Hà Nội 20km mà một ngày chỉ có 3-5 ca đến khám thai, còn lại khi sinh con phải chuyển hết sang bệnh viện cách đó 5km. Tại huyện Yên Mỹ, có những xã mấy năm nay chẳng đỡ được ca đẻ nào dù trang thiết bị đầy đủ nhưng không có bác sĩ sản khoa.

Sau hàng loạt các ca tai biến, Bộ Y tế trấn an người dân bằng những kết luận quen thuộc: bệnh viện đã làm hết trách nhiệm và bệnh nhân tử vong là ngoài mong muốn. Nguyên nhân các ca tai biến phần lớn do tắc ối. Dường như với những kết luận như vậy, trách nhiệm chẳng thuộc về ai và chỉ có người bệnh là chịu thiệt thòi. Nỗi đau vẫn chỉ dồn lên người nhà bệnh nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Hà (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN