Tai biến sản khoa: Loại nào đáng sợ nhất?

12 ca tai biến sản khoa chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua tại các cơ sở y tế đã làm tăng thêm sự lo lắng vốn đã thường trực trong tâm lý các bà bầu. Tai biến sản khoa nào đáng sợ nhất?

Hàng loạt vụ tai biến sản khoa đã xảy ra dồn dập trong thời gian gần đây. Thế nhưng, chưa có một y, bác sĩ nào đứng ra nhận trách nhiệm. Ngoài sự im lặng thì lý do chủ yếu mà các bệnh viện đưa ra trước gia đình và dư luận là do tắc mạch ối. Trong nhiều trường hợp, tắc mạch ối trở thành “bửu bối”, che chắn trách nhiệm cho các bác sĩ, bệnh viện…

Tắc mạch ối - tai biến rất hiếm gặp

Sau ca tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Trang tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - TPHCM ngày 26-5, lãnh đạo bệnh viện đưa ra nguyên nhân chị Trang tử vong là do thuyên tắc phổi thì ngày 30-5, lại thêm một ca tai biến làm sản phụ và thai nhi chết bất thường mà nguyên nhân ban đầu vẫn được đổ cho tắc mạch ối. Trước đó, 3 ca tử vong của các sản phụ tại các bệnh viện ở Đồng Nai, Hưng Yên và TPHCM cũng đều đổ cho tắc mạch ối.

Tai biến sản khoa: Loại nào đáng sợ nhất? - 1

Tai biến sản khoa luôn đe dọa các bà bầu trong suốt quá trình mang thai và sinh nở

Những tai biến dồn dập trong thời gian ngắn đã khiến ngay cả những người trong ngành sản khoa cũng phải giật mình bởi chưa bao giờ thuyên tắc ối - loại tai biến sản khoa rất hiếm gặp (thường chỉ chiếm tỉ lệ 1/80.000) lại trở thành nguyên nhân “thường gặp” ở hầu hết ca tử vong liên quan đến tai biến sản khoa gần đây tại Việt Nam.

TS-BS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết với một bệnh viện sản khoa lớn nhất miền Bắc như Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì cả năm 2011 cũng mới chỉ gặp 2/22.000 ca đẻ bị tắc mạch ối. Còn theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Sản phụ Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội,  trong hơn 10 năm công tác trong ngành, bác sĩ này cũng chỉ gặp 2 ca tử vong do tắc mạch ối.

Tai biến sản khoa: Loại nào đáng sợ nhất? - 2

Tai biến sản khoa khó lường trước được. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bác sĩ Chương cho rằng trong những tai biến sản khoa thì có một số tai biến không thể lường trước, không thể dự báo, dự phòng được và xảy ra bất khả kháng, đó là tai biến tắc mạch nước ối với tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm khoảng 90% bởi hầu hết các trường hợp không thể điều trị được. Nguyên nhân do nước ối của người mẹ trong buồng tử cung tràn vào máu mang theo các thành phần như tế bào bong da của da thai nhi, phân su... đi vào máu của người mẹ và trong tích tắc gây sốc phản vệ, suy tim cấp, rối loạn đông máu và tử vong. “Việc chẩn đoán các trường hợp này xảy ra sau khi tai biến rất dễ dàng nhưng trước đó thì hoàn toàn không có cơ sở xác định bởi diễn biến quá nhanh trong một tình huống bất khả kháng, nhất là những trường hợp xảy ra ở các tuyến  chưa gặp bao giờ, lại thiếu con người và phương tiện cấp cứu thì việc xử trí sẽ càng lúng túng”- bác sĩ Chương nhận định.

Hiện tượng bất thường

Không phủ nhận tai biến sản khoa là điều có thể gặp trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, không ít bác sĩ sản khoa cũng bày tỏ quan điểm rằng hiện tượng xảy ra dồn dập nhiều tai biến tắc mạch ối như vừa qua là bất thường. Bác sĩ Dung cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn do nguyên nhân khách quan bởi trước đó hầu như những sản phụ và thai nhi đó đều có sức khỏe bình thường, do vậy, có thể lưu ý nguyên nhân từ chính tiên lượng của người thầy thuốc. Trong khi đó, bác sĩ Chương cho rằng cũng không loại trừ nguyên nhân do việc chuẩn bị, đánh giá ca đẻ chưa tốt nên dẫn đến sự việc đáng tiếc này. “Chẳng hạn như ca tử vong sản phụ ở Đồng Nai được xác định do lộn tử cung và băng huyết. Đây là tai biến 10 năm qua chưa gặp. Với trường hợp này, cơ sở điều trị phải có hệ thống hồi sức cấp cứu hiện đại mới có thể cứu sống được sản phụ” – bác sĩ Chương dẫn chứng.

Tuy nhiên, phân tích các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến tai biến sản khoa, bác sĩ Chương cũng cho rằng những sản phụ mắc các bệnh lý về tim, gan, thận nếu không được phát hiện, điều trị từ trước như trường hợp sản phụ ở Quảng Ngãi bị hẹp van tim 2 lá thì nguy cơ tai biến trong quá trình chuyển dạ cũng cao hơn. Một số bác sĩ sản khoa cũng chia sẻ thực tế họ gặp rất nhiều trường hợp sản phụ chủ quan bỏ qua những biểu hiện nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa. Không ít trường hợp các bà bầu đi khám thai chỉ lăm lăm muốn biết thai nhi mang giới tính gì, phát triển ra sao, có dị tật hay không chứ tuyệt nhiên không để ý đến những thông tin về sức khỏe tổng quát của thai phụ, kể cả những yêu cầu tối thiểu là đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu của mẹ.

Bác sĩ Dung cho hay trong quá trình mang thai, lúc chuyển dạ, thậm chí sau khi sinh từ 12 đến 48 giờ vẫn có nguy cơ xảy ra tai biến, đó là hiện tượng băng huyết. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 nguyên nhân trực tiếp gây nên tử vong mẹ, băng huyết là nguyên nhân hàng đầu với 41%; sản giật, tiền sản giật là 21,3%; nhiễm khuẩn sản khoa là 16,6%; phá thai không an toàn là 11,5%. Trong số các nguyên nhân gây băng huyết có thể do nhau tiền đạo, đờ tử cung, vỡ tử cung, rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn...

Vụ mẹ con sản phụ chết ở Bệnh viện Hóc Môn

Người nhà tiếp tục khiếu kiện

Sau hơn một tháng xảy ra cái chết của vợ và con mình vào ngày 25-4, anh Trần Minh Công, chồng sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (SN 1982), ngụ ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn - TPHCM, vừa gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng. Theo anh Công, gia đình anh không đồng ý với kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế là vợ anh chết do “thuyên tắc ối trong lúc sinh” mà có nguyên nhân tắc trách từ phía ê kíp y, bác sĩ trực tiếp tham gia đỡ đẻ cho vợ anh tại Bệnh viện Hóc Môn.

T.Hồng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN