Tai biến sản khoa: Diễn tiến khó lường

Chị Bích, 27 tuổi, quê ở Hưng Yên vẫn nhớ như in cái lần mình từ cõi chết trở về do bị băng huyết sau sinh. Chị kể lại, hôm đó vừa sinh xong, bác sĩ làm thủ thuật khâu thì bỗng nhiên máu ộc ra. Chạm kim vào đến đâu là máu tuôn xối xả đến đó, chị Bích lịm dần đi và nghe loáng thoáng thấy bác sĩ nói với y tá lấy thuốc cầm máu và kháng sinh để tiêm cho chị. May mắn, chị đã cầm được máu và sau đó được chuyển ra phòng hậu sinh.

Theo TS.BS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, băng huyết, sản giật, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn hậu sản và uốn ván sơ sinh là những tai biến sản khoa sản phụ hay gặp phải. Thuyên tắc ối là loại tai biến hiếm gặp chỉ chiếm tỉ lệ 1/80.000/trường hợp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những tai biến sản khoa xảy ra liên tiếp đã khiến những người trong ngành Sản cũng phải giật mình bởi chưa bao giờ thuyên tắc ối - loại tai biến sản khoa rất hiếm gặp lại trở thành nguyên nhân “thường gặp” ở hầu hết ca tử vong ở mẹ hoặc cả mẹ và con tại các bệnh viện địa phương. Chỉ hơn 1 tháng (từ tháng 4 đến tháng 5) đã có 4/8 ca sản phụ tử vong được các bệnh viện cho biết nguyên nhân là do thuyên tắc ối.

Tai biến sản khoa: Diễn tiến khó lường - 1

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, biến chứng sản khoa rất nguy hiểm

Lý giải về các ca tai biến sản khoa do thuyên tắc ối, TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Tắc mạch ối không thể lường trước hay có thể dự phòng được.  Khi sản phụ bị tắc mạch ối thì nước ối, tế bào của thai nhi, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ. Do nước ối không thể tan trong máu nên sản phụ dễ bị suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong”. Với những ca tắc mạch ối, các bác sĩ sản khoa khó tiên lượng do bệnh cảnh diễn tiến bất ngờ. Ngay bản thân tôi với kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành sản cũng không thể lường trước được  những hậu quả nặng nề do tắc mạch ối để lại”. BS Hùng chia sẻ.

Để  giúp sản phụ được“mẹ tròn con vuông” sau mỗi lần "vượt cạn” là một thử thách lớn đối với bác sĩ. BS Hùng kể: “Có sản phụ lên bàn đẻ đang tỉnh táo, miệng vẫn nói chuyện, nhưng chỉ 10-15 phút sau bị thuyên tắc ối và tử vong. Rất nhiều bác sĩ sản khoa không cứu được bệnh nhân, họ bị ám ảnh nặng nề. Có bác sĩ phải bỏ nghề, có bác sĩ tự trách mình”.

Tai biến sản khoa: Diễn tiến khó lường - 2

Một cuộc chuyển dạ mẹ tròn con vuông có quá khó giữa thời đại y học tiến bộ này? (Ảnh. Tuổi trẻ)

BS Hùng khẳng định, tắc mạch ối xảy ra rất đột ngột, và không thể dự báo trước. Vì vậy trong hầu hết các trường hợp, gia đình sản phụ thường khó chấp nhận lời giải thích của nhân viên y tế vì mới trước đó, họ được thông báo là tình hình chuyển dạ của sản phụ chưa có gì nguy hiểm. Theo BS Hùng, vẫn biết rằng sản phụ vào viện sinh nở để đón niềm vui mới nhưng có một số trường hợp không may vẫn bị tai biến không thể cứu vãn.

Tắc mạch ối dễ xảy ra đối với sản phụ có tiền sử  cao huyết áp, bệnh tim…. Những sản phụ thừa protein dễ bị tiền sản giật. Đặc biệt thai phụ trên 35 tuổi thì nguy cơ tai biến sản khoa cao gấp nhiều lần so với những thai phụ dưới 35 tuổi. Vì vậy, BS Hùng khuyến cáo các sản phụ phải thường xuyên khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế có uy tín. Nên tiến hành các xét nghiệm để phát hiện các dấu hiệu bất thường của sản phụ và thai nhi.

Hiện nay, nhiều người coi việc khám và tư vấn trước hôn nhân vẫn còn xa lạ và chưa quan tâm. Việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản, khám bệnh phụ khoa là rất cần thiết, kể cả với những bạn trẻ chưa lập gia đình.

Trước khi sinh con, các bạn trẻ cần chủ động chuẩn bị kiến thức về sức khoẻ, về an toàn tình dục. Nếu phát hiện có bệnh cần điều trị kịp thời trước khi kết hôn. Có như vậy mới mong có được những đứa con sinh ra khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

TS. Nguyễn Việt Hùng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN