Tách cặp song sinh: 8,5 giờ đóng ngực - bụng cho Phi Phụng
Bé Phi Phụng được tổ chức Children’s Action tài trợ tấm lưới sinh học collagene trị giá 3.600 euro/tấm để thực hiện việc ghép da.
Trải qua cuộc phẫu thuật đóng ổ bụng sau gần 8,5 giờ, Phi Phụng đã được chuyển ra phòng hồi sức với thân hình gần như hoàn toàn bình thường. Trước đó một giờ đồng hồ, anh trai Phi Long đã chính thức cai máy thở. Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trực tiếp chứng kiến hai sự kiện này tại BV Nhi đồng 2 trong ngày 10-12. Ca mổ lần này tiếp tục có sự phối hợp giữa BV Nhi đồng 2, Viện Tim và BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Diễn biến nghẹt thở
Sau hai tuần được tách rời khỏi anh Phi Long (ngày 26-11), 8 giờ sáng 10-12, bé Phi Phụng phải quay trở lại phòng mổ tiếp tục cuộc hành trình thứ hai để các bác sĩ đóng ngực-bụng, làm cho em có hình hài hoàn chỉnh.
Gần hai giờ gây mê, tháo khung kéo da và chuẩn bị, 9 giờ 50 phút, các bác sĩ BV Nhi đồng 2 đã bắt đầu cuộc phẫu thuật. Ban đầu Phi Phụng được đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo. Các bác sĩ tiến hành rạch hai đường bên hông để kéo da phủ vùng ngực bụng. Đến giai đoạn gần kết thúc đóng da, êkíp phải ngừng tay vì nhịp tim giảm do bị chèn ép. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau tim bé đã hồi phục. 12 giờ 50, việc đóng da ngực-bụng cho Phi Phụng đã hoàn tất bằng những đường chỉ may và một vật liệu giống kim bấm để cho khít.
Bé Phi Phụng ra phòng hồi sức, cơ thể gần như đã hoàn chỉnh. Ảnh: TÙNG SƠN
Sau khi rạch một đường dài hai bên hông bé để da kéo lên trên đóng ngực-bụng thì phần hở mỗi bên hông (khoảng 5 x 10 cm) sẽ phải ghép da. Và một loại vật liệu mới được nhập về từ Pháp trước đó một ngày có tên gọi tấm lưới sinh học collagene trị giá 3.600 euro/cái (Phi Phụng ghép được hai cái), do tổ chức Children’s Action tài trợ, đã được lắp vào.
Tiếp đó, các bác sĩ dùng một chiếc máy bào da bào những miếng da rất mỏng ở đùi bé rồi chuyển qua máy ép để da mỏng hơn nữa. Những tấm da này được ghép trên tấm lưới sinh học collagene để tạo da tự nhiên, do vậy bé Phi Phụng sẽ không cần phải dùng khung kéo da hay ghép da nữa.
Gần 2 giờ chiều, những tưởng ca phẫu thuật kết thúc khi việc băng bó cho bé đã xong nhưng các bác sĩ gây mê phải nhỏ mồ hôi hột khi tìm tĩnh mạch lớn của bé. Tay, chân, đầu… chỉ lấy được những tĩnh mạch nhỏ. Đến gần 4 giờ chiều, các bác sĩ mới tìm tĩnh mạch lớn xong. Cả êkíp thở phào nhẹ nhõm.
Lo lắng đã được giải tỏa
Theo TS-BS Trương Quang Định, BV Nhi đồng 2, trước mổ Phi Phụng cũng tiêu, tiểu bình thường. Tuy nhiên, nhịp tim Phi Phụng không đều, chậm hơn bình thường nên được đặt một máy tạo nhịp tim nhân tạo tạm thời. Hôm nay, bệnh viện tiếp tục đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bé để sử dụng lâu dài. “Sau mổ, sức khỏe Phi Phụng tạm ổn định nhưng vẫn chưa xong tại đây, bởi trong thời gian tới còn chờ da ghép mọc lên và phát triển bình thường. Bé vẫn còn ép tim sau khi đóng ổ bụng nên phải tiếp tục theo dõi phần hồi sức về sau” - TS Định nói.
“Trước mổ chúng tôi nghĩ quan trọng nhất là phải đóng thành bụng cho Phi Phụng. Khi chưa đóng chúng tôi rất lo lắng vì vi trùng có thể tấn công bất cứ lúc nào vào thành bụng, tim… gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng. Khi đóng, ban đầu có ép ngực khiến nhịp tim chậm một chút nhưng các bác sĩ hồi sức đã chỉnh được” - TS-BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết sau khi hoàn tất phần đóng ngực-bụng cho Phi Phụng.
Bé Phi Long đã được cai máy thở. Ảnh: TÙNG SƠN
3 giờ 30, trước khi Phi Phụng ra phòng hồi sức, anh trai Phi Long đã được các bác sĩ cho cai máy thở. Bé đã biết nhìn, liếc ngang dọc khi có ai đó gọi và khóc rơi nước mắt khi không thấy người thân. Theo các bác sĩ, Phi Long đã cười đùa và rất nhanh nhẹn. Hiện em đã ăn uống và các chức năng cơ thể gần như bình thường.