Tác hại của thuốc lá với trẻ nhỏ
Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người hút thuốc lá mà trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng khi hít phải khói thuốc do người lớn hút.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Phạm Lê Quyên – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc của người hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu. Môi trường có khói thuốc bao gồm dòng khói thở ra từ người hút và dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy.
Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng vất vưởng trong phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì vậy việc có người hút thuốc trong nhà, dù là hút thuốc ở phòng khác thì trẻ vẫn có nhiều nguy cơ hít phải khói thuốc.
Hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bất cứ sự ốm yếu của bào thai khi khám nghiệm tử thi. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ hội chứng trẻ chết đột tử ở người mẹ hút thuốc cao hơn so với trẻ có mẹ không hút thuốc. Nguy cơ hội chứng chết đột tử ở trẻ em mới sinh có mẹ nghiện thuốc cao hơn xấp xỉ hai tới ba lần so với trẻ mới sinh có mẹ không hút thuốc.
Tỷ lệ tử vong do hội trứng chết đột tử cao ở New Zealand đã thúc đẩy sự phát triển các nghiên cứu về vấn đề này. Các nhà nghiên cứu tiến hành trên 128 trường hợp chết đột tử so sánh với 503 trường hợp đối chứng. Trường hợp tiếp xúc với khói thuốc thụ động được đánh giá qua bảng hỏi cha mẹ về thực trạng sử dụng thuốc lá.
Một sự liên quan đáng kể được chỉ ra giữa hút thuốc của người mẹ và hội chứng trẻ chết đột tử. Khi quan sát giữa lượng hút thuốc của người mẹ mang thai và hội chứng trẻ chết đột tử thì thấy mối tương quan: càng sử dụng nhiều thuốc mỗi ngày thì nguy cơ hội chứng trẻ chết đột tử càng cao.
Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột… Như về bệnh đường hô hấp, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi… hay làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan thực hiện tại Nam Phi cho thấy số trẻ em hút thuốc lá thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao có tỷ lệ nhiễm lao cao gấp gần 5 lần.
Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.
Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.
Ông David Liewellyn thuộc Trường ĐH Cambridge, Anh cho biết hít phải khói thuốc do người khác hút sẽ làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận thức như trí nhớ và khiến nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá.
Ngoài ra, các nhà khoa học tại trung tâm sức khỏe môi trường trẻ em ở Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên gần 4.400 trẻ em tuổi 6 - 16. Kết quả cho thấy những đứa trẻ ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác. Một lượng khói thuốc nhỏ trong nhà thôi cũng đủ ảnh hưởng tới khả năng đọc và làm toán của trẻ.
Ngoài ra, hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, và làm tăng nhịp tim từ từ liên tục.
Hút thuốc thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây các loại bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Trẻ nhỏ mà có mẹ hút thuốc trong suốt thời gian mang thai tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng. Mức độ cao không bình thường của kháng thể IgE đã được phát hiện ở trẻ mà có mẹ hút thuốc trong suốt thời gian mang thai. Tăng kháng thể IgE liên quan tới tăng nguy cơ các bệnh dị ứng và dị ứng ngoài da.
Ung thư khoang miệng là bệnh thường gặp trong các loại ung thư vùng đầu cổ. Khối u có thể xuất hiên ở lưỡi, nướu răng,...