'Tác dụng phụ gây máu đông của vaccine AstraZeneca chỉ xảy ra trong 42 ngày sau tiêm'
Các chuyên gia nhận định tác dụng phụ gây cục máu đông sau tiêm vaccine AstraZeneca rất hiếm gặp và chỉ xảy ra trong vòng 42 ngày sau tiêm ngừa.
Ngày 5/5, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ lúc bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca (tháng 3/2021) đến hết tháng 6/2023, TP HCM đã tiêm hơn 9 triệu liều. Giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông.
Do đó, ông Thượng cho rằng tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Covid-19. Theo Bộ Y tế Australia, tình trạng này phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày.
"Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine Covid-19 là không có cơ sở", ông Thượng nói.
Người đứng đầu ngành y tế TP HCM đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh nhiều người bày tỏ lo lắng sau khi AstraZeneca lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp, hôm 2/5.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng cần phải khẳng định giá trị mang lại của vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca trong giai đoạn bùng phát dịch vừa qua. Khi so sánh nguy cơ có một trường hợp xuất hiện cục máu đông trong số một triệu trường hợp được tiêm phòng, thì lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao do Covid-19 gây ra là rất lớn.
Tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca cho người dân tại TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết thông tin có tác dụng phụ trên là công nhận của hãng thuốc, thực tế điều này đã có trong nghiên cứu từ lâu, khi đưa vaccine ra thị trường. Khi mắc Covid-19, một số người cũng có hiện tượng tăng đông và giảm tiểu cầu kéo dài trong 3 tháng.
"Mọi người đã ngưng chích ngừa rất lâu, không có gì cần phải hoang mang", bác sĩ nói, thêm rằng nếu quá lo sợ, chỉ cần đi tầm soát bệnh đột quỵ theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn.
Tác dụng phụ này từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp. Hãng cũng đã khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vaccine, sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.
Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới từng yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não. Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 42 ngày sau khi tiêm. Biến chứng đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.
Không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể, bệnh Covid-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng, xuất hiện những cục máu đông. Biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) cũng có thể xảy ra với tỷ lệ 5 trường hợp trên một triệu người ngồi máy bay. Do đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA từng kết luận tiếp tục sử dụng vaccine này, cùng với xây dựng các khuyến cáo về tư vấn, phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ Khanh cho rằng sự thừa nhận lần này của AstraZeneca cho thấy khi có gánh nặng bệnh tật quá lớn, phải chấp nhận một số tình huống tác dụng phụ. Sau khi nghiên cứu xong, hãng thông báo trở lại, tùy mức độ sẽ cân nhắc cần tiếp tục có sản xuất hay ngừng lại.
"Ý nghĩa của việc ghi nhận này nhằm giúp khi nghiên điều chế vaccine mới trong tương lai, mọi người sẽ lưu ý hơn đến nhóm adenovirus, chú ý hiện tượng đông máu, giảm tiểu cầu", bác sĩ phân tích.
Thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) mới đây khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng. Dù hãng dược này khẳng định đây là trường hợp "rất hiếm gặp", song nhiều người dân vẫn hoang mang lo lắng.
Nguồn: [Link nguồn]