Suýt mất mạng vì tự ý truyền dịch
Nhiều người cứ thấy sốt cao, mệt mỏi, chán ăn là nghĩ ngay đến việc truyền dịch (hay còn gọi là truyền nước). Nhưng các bác sỹ cho rằng, việc truyền dịch rất dễ gây phù phổi, tim, thậm chí là mất mạng do sốc phản vệ.
Có thể phù phổi, não, teo não vì truyền dịch
Bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, 60 tuổi, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, phù phổi do truyền dịch. Người nhà bà Vân cho biết, trước đó, do thấy người mệt mỏi nên bà đã tự ý đến một phòng khám tư nhân ở gần nhà truyền dịch. Sau khi truyền hết 2 chai, bà rơi vào tình trạng nguy kịch.
Trường hợp như bà Vân không phải là hiếm. Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận trẻ bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều. Thấy bé sốt kéo dài, người nhà đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để điều trị. Bệnh nhân được truyền nước biển 3 ngày liền, đến chai thứ tư thì bé trở nặng. Rất may các bác sỹ đã cấp cứu bé kịp thời.
Việc truyền dịch cần theo chỉ định của bác sỹ (ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: P.T
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng... Việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm. Sốt, mệt chỉ là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Khi bác sỹ quyết định việc tiêm, truyền cho bệnh nhân sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh ấy có cần phải truyền dịch không? Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sỹ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sỹ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trước khi truyền cần phải khám tim, phổi, đo mạch… xem tim có khỏe. Khám tim không chỉ khám lâm sàng mà nhiều trường hợp phải xét nghiệm, làm điện tâm đồ mới phát hiện ra bệnh. Khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu truyền nhiều hơn tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim. Ngoài ra, truyền dịch ở nhà không có đủ phương tiện để xét nghiệm bệnh nhân thừa thiếu chất gì ở trong máu. Việc bổ sung không đúng các chất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng như bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn, thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não...
Chẳng hạn, trẻ sốt do viêm phổi hay mệt do bị bệnh tim... là hai trường hợp phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng truyền sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền, gây ra các tai biến. Những người già, thận yếu, việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP HCM) cho biết, truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Thậm chí, có thể lây nhiễm bệnh mạn tính như viêm gan, HIV.
Khi nào nên truyền dịch?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp…; người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ không nên truyền dịch.
Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống. Mọi người có thể bù nước bằng cách thông thường như với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai Gglucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Hay truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, một số người khỏe mạnh, tự ý truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe càng phải thận trọng. Nước hoa quả là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém. Người khỏe truyền hoa quả có thể sinh ra “lười ăn” vì dung mao ruột thoái hóa; phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn.