Suýt mất mạng vì tự điều trị cúm

Sự kiện: Sống khỏe

Bị cúm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách nên chị Q bị tím tái, khó thở, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Suýt mất mạng vì tự điều trị cúm - 1

Bệnh nhân cấp cứu do mắc cúm thông thường

Giáp Tết, nhiều người nhập viện do cúm

Ngày 6/1, BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, giáp Tết cũng là thời khắc giao mùa, thời tiết thay đổi, hay di chuyển đến nhiều vùng có nhiệt độ, khí hậu khác nhau làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm, cúm.

Theo BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một số người quen gọi cảm và cúm là một bởi có sự nhầm lẫn này là do các triệu chứng bệnh thường giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm của mỗi người, mỗi nhà mà ít khi phải tìm đến bệnh viện.

Mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị cúm. Đáng chú ý là trường hợp chị Q, 20 tuổi, một du học sinh Việt Nam về nước nghỉ lễ vào cấp cứu trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái,… được cấp cứu thành công với chẩn đoán cơn hen phế quản nguy kịch.

Sau khi khỏe hẳn chị Q kể mình bị hen từ nhỏ, nhưng gần đây thấy khỏe nên cũng tự ngưng thuốc, không khám lại. Một tuần gần đây, chị có triệu chứng ho, hắt xì hơi, nghĩ cảm nhẹ nên tự điều trị thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà trong khi cùng gia đình tiếp tục du lịch nhiều nơi từ Bắc vào Nam.

Cùng ngày nhập viện, chị Q. thấy ho nhiều nên uống tiếp thêm một liều thuốc ho nữa, không ngờ đến tối chị khó thở dữ dội, toàn thân tím tái phải vào cấp cứu tại bệnh viện.

BS. Nguyễn Viết Hậu, do chị Q chủ quan khi bệnh cảm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách, di chuyển nhiều trong lúc sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng.

Ngược lại, chị còn dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, dù chưa có thống kê số lượng nhưng do thời tiết giao mùa nên số bệnh nhân mắc cúm nhập viện tăng lên đột biến.

Theo bác sĩ Cấp, virus cúm khi vào cơ thể gây suy giảm miễn dịch, một tỉ lệ nhỏ virus tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan tỏa. Khi đó bệnh diễn biến nhanh, đe dọa tính mạng.

"Khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là bệnh lui. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì cần đến bệnh viện để kiểm tra, đặc biệt với các ca đột ngột sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, kèm đau ngực, khó thở", BS Cấp khuyến cáo.

Dễ nhầm lẫn giữa cúm và cảm

Theo các bác sĩ, các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắc xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao.

Các triệu chứng này thông thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày. Đôi khi các triệu chứng này bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nhưng nếu chú ý cũng dễ phân biệt là do tính chất cấp tính của bệnh cảm, triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng trong khi viêm xoang và viêm mũi dị ứng là các bệnh mãn tính kéo dài, không dễ thuyên giảm hay dứt hẳn trong vài tuần.

Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội,…

Cách tốt nhất để phòng ngừa cảm, cúm là nên vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Trong đơn vị, cơ quan nếu có người bị cảm hay cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan vì hai bệnh này lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng,…

Theo các bác sĩ, đối với người bệnh có bệnh lý mạn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp, nếu có bất kỳ triệu chứng của cảm hay cúm nào cũng nên khám và tư vấn bác sĩ thật kỹ nhằm tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Người có bệnh mạn tính có thể chủ động tiêm ngừa cúm hằng năm tại các cơ sở y tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN