Suýt mất chân vì “bài chữa lạ” của lang vườn
Nhiều người đau nhức chân, hay trẻ quấy khóc là bố mẹ đưa đi chữa lang vườn bằng cách cắt lể, nặn máu độc. Các chuyên gia y tế cho biết, việc làm này rất dễ bị nhiễm trùng máu, xuất huyết não và đã từng có người suýt phải cắt bỏ chi…
Chích lể luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao nếu dụng cụ không được vô trùng. Ảnh: T.G
Oan gia vì cắt lể
Mới đây (ngày 2/12/2017), Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh đã phẫu thuật khoan xương, tháo mủ chân trái cho bệnh nhi Minh Thành (9 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh). Chân trái bé Thành đột nhiên sưng to, đau nhức, kèm sốt cao và được gia đình đưa đến thầy lang vườn cắt lể nặn máu độc. Tuy nhiên, chân bé càng sưng to, tấy đỏ, đau nhức dữ dội, sốt cao, không đi lại được… gia đình mới đưa con tới bệnh viện trong tình trạng viêm tấy cẳng chân trái, nhiễm trùng huyết, có nguy cơ hoại tử chi. Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật, cắt lọc nhiều mô hoại tử, nạo viêm khoang xương, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để giảm áp lực trong tủy xương… mới cứu được chân của bé.
BV Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) từng cứu chữa nhiều ca do cắt lể bị biến chứng nặng. Điển hình về sốc nhiễm trùng do cắt lể với dụng cụ không vô trùng là cháu D.P.T 14 tuổi, ở Bình Thuận. Cháu bị đau đùi trái, sau hai ngày cắt lể được đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, mạch và huyết áp không đo được, chân trái căng cứng, sưng to, các đầu ngón chân tím đen không thể cử động và hôn mê, những chỗ cắt lể sưng to. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc do nhiễm trùng huyết, dẫn đến hôn mê, sốt cao, tắc mạch đầu chi, gây hoại tử đầu chi, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ đã phải mổ 5 lần cắt lọc và thoát dịch mủ ở đùi, cẳng chân và cắt hết các đốt ngón chân bị hoại tử mới cứu được cháu.
Hay như bé P.V.H, 25 ngày tuổi, ở Tây Ninh, hay khóc đêm nên gia đình đưa tới thầy lang dùng dao lam cắt lể sau lưng rồi nặn máu độc. Về nhà bé khóc nhiều hơn, da xanh tái, các vết cắt lể vẫn chảy máu nên gia đình đưa bé vào viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc do mất máu và xuất huyết não.
Ở miền Bắc trời lạnh khiến nhiều người lớn bị đau nhức chân do giãn/tắc mạch máu chi, nhưng lại đi cắt lể, tới khi chân sưng cứng, đau nhức nhối mới nhập viện, khiến bác sĩ vất vả cứu chữa mất rất nhiều thời gian.
Không phải bệnh gì cũng phải “nặn máu” mới khỏi.
Theo lương y Nguyễn Anh Đào (Viện Y học cổ truyền Quân đội), chích lể là một trong các phương pháp châm cứu được thầy thuốc Đông y xưa ưa chuộng vì hiệu quả.
Chích lể (còn gọi là Trích) là dùng kim tam lăng hoặc kim hào châm đâm nhẹ vào huyệt, hoặc chỗ đậm nhất của vùng da ứ đọng huyết hoặc vùng đọng huyết (nơi có máu độc ứ đọng), khi rút kim máu tự vọt chảy ra ngoài. Cắt lể còn gọi là cắt gió, người ta bóp trên da bệnh nhân như nặn gió đến mức máu dồn lại bầm đen bầm đỏ thì lấy lưỡi lam rạch nhẹ, lập tức máu bầm thoát ra. Lể (còn gọi là Nhể) là véo da lên, dùng kim đâm nhẹ vào đúng điểm tụ huyết hoặc xuất huyết, máu không tự chảy ra mà phải dùng tay nặn cho máu ra.
Các điểm chích lể (cắt lể) trùng với các huyệt đạo vùng đầu mặt cổ, ngực bụng, lưng trên - nơi phong tà thường hay tấn công. Cả hai đều là phương pháp trực tiếp loại bỏ máu độc ra khỏi cơ thể, khai thông các kinh mạch, giúp cho khí huyết được điều hòa, góp phần vào việc giảm đau nhức, mệt mỏi, căng thẳng, “đuổi” gió độc, trị một số bệnh từ nội thương đến các chứng ngoại cảm, các bệnh cấp tính và mạn tính.. Có người đã dùng để trị cho trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, hay khóc đêm...
Cũng theo lương y Nguyễn Anh Đào, gần đây do bệnh lây truyền qua đường máu nên ít được chỉ định chữa bệnh vì phải nặn máu, rất dễ nhiễm trùng. Nhưng nhiều người vẫn dùng để chữa đau chân, giãn/tắc tĩnh mạch, các triệu chứng cảm cúm…
Trẻ đau nhức chân tay cần tới bệnh viện
Lương y Anh Đào cho hay, ngày nay y học tiến bộ rất nhiều, việc người dân tự ý điều trị bệnh theo phương pháp cổ như chích lể không còn thích hợp. Nếu trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, hay khóc đêm, người bị đau nhức chân cần đến bệnh viện để các bác sĩ khám và tư vấn điều trị.
Không chỉ chích lể, mà các phương pháp chữa bệnh dân gian như giác hơi, cạo gió, châm cứu... nguy hiểm ở một mức độ nhất định và không phải ai cũng chữa được. Bác sĩ Đông y cũng tùy thể chất và thực bệnh từng người mà chỉ định chữa trị.
Mặt khác, theo nghiên cứu do Trường Đại học Y Dược TPHCM, đa số bệnh nhân mắc bệnh về tĩnh mạch chân mà không hề biết, còn ngại đi khám. Hoặc thầy thuốc bỏ sót các triệu chứng nên hơn 91% bệnh nhân không được điều trị, có gần 9% bệnh nhân điều trị không đúng phương pháp, thậm chí đi cắt lể vào chỗ máu bầm còn bị sốc vì nhiễm trùng.
Ngoài ra, ThS.BS Lê Phi Long (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần quan tâm đến các bệnh lý mạch máu rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề. Người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, rối loạn mỡ máu, tiểu đường... dễ có nguy cơ mắc bệnh mạch máu, cần lưu ý khám và tầm soát về bệnh mạch máu. Các triệu chứng đau nhức do mạch máu thường hay nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp, thần kinh… dẫn đến điều trị muộn, lâu và hiệu quả thấp.
Những người bị chứng máu không đông, bị đau nhức chân tay cần đến bệnh viện sớm để các bác sĩ khám và tư vấn điều trị kịp thời, không nên tới các lang vườn chích lể kẻo rước họa vào thân. Có bệnh cần được bác sĩ chẩn đoán, điều trị, chăm sóc. Cả thầy thuốc và người bệnh phải cân nhắc khi chữa bệnh bằng phương pháp chích lể, bởi nó luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao nếu dụng cụ không được vô trùng.
Những người không được chích lể: - Những người có bệnh ưa chảy máu, tiểu đường, lao phổi nặng, giang mai, bệnh ngoài da… |
Thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại...