Suýt chết vì tự chữa đau khớp, đau lưng bằng mật cá

Bệnh nhân Nguyễn Thị Mến, 50 tuổi (Kinh Môn, Hải Dương) dùng mật cá để chữa bệnh hen suyễn bị suy nhược cơ thể suýt tử vong.

Ngày 3/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị Mến, 50 tuổi ở Hiến Thành, Kinh Môn (Hải Dương) dùng mật cá để chữa bệnh. Lâu nay,quan niệm dùng mật chữa bệnh, đặc biệt là mật cá trắm để chữa đau khớp, đau lưng, hen suyễn, suy nhược cơ thể đã làm nhiều người bị ngộ độc, thậm chí bị tử vong.

Thoát chết sau khi nuốt mật cá trắm

Bác sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, cho biết: "Bệnh nhân Mến nhập viện chiều 29/3, với triệu chứng ngộ độc nặng. Tới chiều 3/4, sau 6 ngày điều trị tích cực bằng phương pháp truyền dịch, lợi tiểu; hồi sức tế bào gan và chạy thận nhân tạo, 3 lần lọc máu, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện nhiều, chức năng gan, thận đang dần hồi phục. Sức khỏe bệnh nhân Mến đã phục hồi, tinh thần ổn định, nước tiểu đã trong hơn và sẽ không phải lọc máu tiếp". 

Dự kiến khoảng sau 10 ngày điều trị tích cực bệnh nhân có thể xuất viện.

Bệnh nhân Mến cho biết: Do gia đình bắt được con cá trắm nặng hơn 5kg, nghĩ rằng uống mật cá trắm sẽ khỏe mạnh, chữa được nhiều bệnh nên đã nuốt sống trực tiếp túi mật. Sau khi ăn 8 tiếng chị Mến nôn mửa, tiêu chảy liên tục, kèm theo đau đầu. Nghĩ do ngộ độc thức ăn bình thường, nên chị chỉ đi ra trạm y tế xã để truyền dịch nhưng vẫn không đỡ, lúc này gia đình mới đưa chị đi bệnh viện.

Suýt chết vì tự chữa đau khớp, đau lưng bằng mật cá - 1

Không nên dùng mật cá trắm chữa bệnh. (ảnh minh họa)

Chị Mến đã nhập viện trong tình trạng bị tổn thương gan nặng, suy thận cấp, nguy cơ tử vong cao do nuốt mật cá trắm để chữa bệnh.

Mật cá trắm từ 3 kg trở lên sẽ gây ngộ độc

Bệnh nhân Mến cho biết: Trước đó, gia đình bắt được con cá trắm nặng hơn 5kg, nghĩ rằng uống mật cá trắm sẽ khỏe mạnh, chữa được nhiều bệnh nên đã nuốt sống trực tiếp túi mật. Sau khi ăn 8 tiếng chị Mến nôn mửa, tiêu chảy liên tục, kèm theo đau đầu. Nghĩ do ngộ độc thức ăn bình thường, nên chị chỉ đi ra trạm y tế xã để truyền dịch nhưng vẫn không đỡ, lúc này gia đình mới đưa chị đi bệnh viện.

Theo Cục An toàn Thực phẩm, hiện có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Những năm gần đây, tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.

Cá trắm chia thành hai loại: Cá trắm đen, có mình và vây màu xám đen, ăn tôm cá nhỏ và cá trắm trắng có mình và vây màu xám nhạt, gần như trắng, ăn rong, cỏ.

Độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu; màng đáy và vỏ Bowmann phù nề, ống thận tổn thương nặng nề ở mức độ khác nhau, đặc biệt ở vùng ống lượn liên bào ống thận mất riềm bàn chải, sưng đục, thoái hoá; gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu.

Nguyên sinh chất tế bào gan sưng đục hoặc thoái hoá, hạt có nhân đông, khoảng cửa xung huyết không có phì đại, xơ hóa. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đua vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.

Bác sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân không nên sử dụng mật cá trắm nói riêng và mật cá nói chung dưới bất cứ hình thức và mục đích nào.

Ngộ độc mật cá trắm hiện nay có xu hướng tăng. Hàng năm tại khoa tiếp nhận từ 5 - 7 bệnh nhân nhập viện do sử dụng mật cá trắm. Độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid 27 Carbon gọi là “5 Cyprinol” gây tổn thương gan, thận cấp, phù phổi cấp, phù não, hoại tử ống thận dẫn đến suy thận cấp, suy gan… và có thể tử vong.

Quan niệm dùng mật cá trắm để chữa nhiều bệnh như đau khớp, đau lưng, hen suyễn, suy nhược cơ thể là hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Đối với các loại mật khác, Tây y không khuyến cáo sử dụng để chữa bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Giang (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN