Suýt chết vì thuốc Đông y dởm

Hơn nửa tháng không được nằm, ngày đêm luôn trong tư thế ngồi, kể cả trong lúc ăn, lúc ngủ do những vết lở loét toàn thân. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn C, 48 tuổi ngụ tại Văn Lâm, Hưng Yên.

Do tin lời đồn thổi anh N.V.C. đã mua 9 thang thuốc Đông y của ông lang gần nhà về sắc uống với hi vọng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, uống đến thang thứ 3 anh C thấy cơ thể khó chịu, đầy bụng vài hôm sau xuất hiện những nốt ban đỏ, nốt bọng nước to như nắm tay nổi khắp cơ thể.

Anh C được gia đình đưa đến Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tổn thương da rất nặng, toàn bộ da trên cơ thể bị lột hoàn toàn. BS điều trị trực tiếp cho anh K cho biết, đây là trường hợp nặng cần điều trị dài ngày nếu không sẽ dẫn đến nhiễm trùng và tử vong.

Suýt chết vì thuốc Đông y dởm - 1

Anh C đang điều trị tại Trung tâm dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, BV Bạch Mai

Anh N.V.T., 48 tuổi quê ở Nghệ An da đồi mồi toàn thân, miệng lở loét nằm trên giường bệnh thều thào: “Còn 5 hôm nữa là cưới thằng con trai mà nó vẫn phải vào viện chăm tôi, không biết ngày vui của con tôi có ra viện được không”.

Con trai anh N.V.T kể, bố em bị đau mỏi khớp. Sau khi uống 4 thang thuốc Đông Y có cảm giác buồn nôn, đau nhức toàn thân, loét các hốc tự nhiên, loét miệng, không ăn, không uống. Cơ thể xuông sức trông thấy. Anh T từ 65 kg sau khi nhập viện hơn một tuần anh T chỉ còn khoảng hơn 50 kg.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp bị dị ứng do thuốc Đông y như anh C., anh T. đến khám và điều trị tại Trung tâm (TT) không phải hiếm gặp. Thời gian gần đây, TT thường xuyên tiếp nhận những ca dị ứng thuốc Đông y do bệnh nhân sử dụng thuốc của ông lang, bà mế không rõ nguồn gốc: “Thông thường bệnh nhân bị dị ứng thuốc Đông y đã rất phức tạp. Nhưng nếu cộng thêm với thuốc Đông y dởm thì hậu quả thật khó lường”. PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.

BS Đoàn cho biết, dễ dàng nhận thấy dấu hiệu dị ứng thuốc Đông y thông qua những biểu hiện bên ngoài như nổi mẩn, nổi ban đỏ, sốt cao, lở loét, tiêu chảy. Nếu nhẹ thì tổn thương da, nặng thì phá hủy nội tạng và tử vong.

Suýt chết vì thuốc Đông y dởm - 2

Bệnh nhân bị tổn thương da nặng

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Trong Đông y có hàng nghìn vị thuốc, bài thuốc nên khi bác sĩ bốc phải hết sức cẩn thận, các vị trong thang thuốc phải đúng liều lượng, không thiếu, không thừa. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều ông lang, bà mế chỉ đặt đồng tiền lên đầu. Họ tìm mua các vị thuốc rẻ tiền, ẩm, mốc, độc hại về pha chế bán cho người bệnh gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hầu hết bệnh nhân bị dị ứng thuốc Đông y đều ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bệnh nhân nghe lời đồn thổi chỗ nọ có ông lang giỏi, chỗ kia có bà hay rồi tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về sử dụng. Họ đâu biết rằng những ông lang bà mế này không được đào tạo bài bản, hoặc có được đào tạo thì chữ “y đức” trong họ cũng bị đồng tiền làm lu mờ. Hậu quả là người bệnh phải đánh đổi cả tính mạng.

Suýt chết vì thuốc Đông y dởm - 3

Nơi bán thuốc Đông y dởm. (Ảnh minh họa)

Chứng kiến nhiều cảnh thương tâm do dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc đồng thời biết được nhiều vụ kiện cáo giữa bệnh nhân và “lang băm”, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: “Làm nghề y cần phải đặt y đức lên hàng đầu. Cơ quan chức năng phải vào cuộc rà soát các cơ sở Đông y đang hành nghề trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng”.

Theo BS Đoàn, làm bác sĩ chỉ để chữa bệnh chưa đủ mà cần phải làm gì để góp phần hạn chế các tai biến do dị ứng thuốc gây ra. Bác sĩ Đoàn khuyến cáo: “Bệnh nhân không tự điều trị bệnh, chỉ nên dùng thuốc theo đơn. Tuyệt đối không dùng thuốc theo sự mách bảo hay đồn thổi. Không dùng thuốc mất nhãn, chuyển màu…Người bệnh cũng nên nhớ rằng thuốc Đông y rất độc và phản tác dụng nếu như thầy thuốc kê đơn, bốc thuốc không đúng bệnh, đúng liều lượng”.

Nếu chữa bệnh bằng thuốc Đông y, bệnh nhân nên đến các bệnh viện y học cổ truyền hoặc các phòng khám Đông y có uy tín.

Người bệnh không nên nghe lời đồn thổi, tự ý đến ông lang bà mế kẻo có ngày mang vạ vào thân.

(BS Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN