Suýt chết khi vừa đi xe máy vừa ăn vải
Mua được túi vải ở vỉa hè, anh Nguyễn Bá Thước trú tại Bắc Ninh vừa đi, vừa ăn. Khi bị chiếc xe máy đi ngược chiều đâm trực diện, anh Thước bị ngã ra đường đồng thời hạt vải chui luôn vào khí quản.
Bệnh viện Việt Đức đã từng cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông lẫn hóc cả dị vật vào trong phổi. Bệnh nhân là anh Thước. Theo những người chứng kiến vụ tai nạn, anh Thước mua một túi vải về và trên đường đi có ăn vải. Ra đến đường cái to, anh va chạm với một xe đi ngược chiều và ngã vật ra đường.
Anh được đưa lên Bệnh viện Việt Đức khi bị chấn thương sọ não. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy hết máu tụ và sử dụng các biện pháp cấp cứu khác nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào trạng thái hôn mê. Khi tiến hành chụp CT, bác sĩ phát hiện có một vật lạ trong phế quản chặn khiến một bên phổi bị xẹp và viêm nặng.
Quả vải tròn, trơn nên khi ăn cần cảnh giác, không nên ăn vải lúc vui chơi và đi đường
Thạc sĩ Chu Nhật Minh, phó Khoa Nội soi - Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ khoa hồi sức tích cực, anh và các đồng nghiệp đã tiến hành gắp dị vật ra khỏi phế quản. Dị vật gắp ra là hột quả vải đã bị lên men.
Theo như người nhà bệnh nhân kể lại, khi xe gặp nạn, trên xe vẫn còn treo túi vải. Bác sĩ cho rằng có thể trước khi bị tai nạn, bệnh nhân vừa đi vừa ăn vải nên khi gặp tác động bệnh nhân đã đột ngột hít phải hột vải. Nắp thanh quản chưa kịp đóng lại nên hột quả vải trơn trôi tuột vào phế quản của bệnh nhân.
Sau khi gắp dị vật và tiến hành điều trị viêm phổi, bệnh nhân dần hồi tỉnh và ra viện sau hơn tháng nằm lại bệnh viện.
Mùa vải, mùa nhãn, mùa hóc dị vật
Cứ đến mùa vải, mùa nhãn lại có trường hợp bị hóc hạt vải, hạt nhãn nhập viện. Hoa quả có tác dụng tốt đối với trẻ nhỏ nhưng việc cho trẻ ăn như thế nào rất quan trọng. Có thể khi trẻ đang ăn, người lớn quát mắng hoặc trẻ bị ho sẽ khiến hạt vải trơn hóc vào khí quản.
Mới đây một cháu bé 6 tuổi ở Vân Đình, Hà Nội đã qua đời sau khi ăn vải bị hóc. Gia đình đưa bé đến bệnh viện cấp cứu nhưng không cứu được cháu bé. Khi gắp ra là một quả vải đang nhai dở. Người nhà cho biết có thể khi đang ăn vải bé vừa chơi vừa ăn nên đã bị quả vải trơn chui vào khí quản, ô xy không vào được khiến phổi và não thiếu ô xy.
Nhận định về việc hóc dị vật là thạch và hạt quả (vải, nhãn …) , thạc sĩ Chu Nhật Minh cho biết đặc điểm của hóc dị vật loại này nguy hiểm vì rất trơn, dễ bị chui vào khí quản.
Dị vật hóc vào khí quản, tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe doạ nghiêm trọng, bởi dị vật tắc khiến hai dây thanh quản bít chặt đường thở. Ô xy không vào được phổi và đưa lên não nên người bị hóc có thể tử vong sau vài chục giây đến vài phút. Việc cứu nạn nhân phụ thuộc rất lớn ở khâu sơ cứu.
Khi dị vật đi sâu vào đường thở, biểu hiện là ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở. Có trường hợp phải cắt một bên phổi chỉ vì một hạt trái cây lọt vào phổi làm áp xe, gây tắc lưu thông khí hoàn toàn một bên phổi! Có trường hợp hạt lọt vào trong phế quản, tuy đỡ khó thở, nhưng lâu lâu lại bị ho từng cơn...
Bác sĩ Minh cho biết để sơ cứu người bị hóc dị vật vào khí quản cần sử dụng phương pháp Heimlich giúp tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài.
Cách thực hiện: Đứng sau lưng người bị hóc đưa hai tay vòng ra phía trước, đan chéo nhau rồi đặt lên vùng thượng vị (giữa ngực và bụng) và giật mạnh vào để tống dị vật ra. Với trẻ nặng ký quá hoặc người lớn thì đặt nằm sấp trên đùi người lớn, đầu nghiêng một bên. Để hai bàn tay vuông góc nhau và vỗ lên vùng giữa 2 xương bả vai, đẩy mạnh từ 3 - 5 cái để đẩy dị vật ra.
Phòng tránh hóc dị vật vào đường thở rất khó vì đa số là tai nạn đột ngột. Đối với trẻ, quan trọng là người lớn phải có ý thức và hiểu biết cách thức chăm sóc trẻ. Người lớn khi cho trẻ ăn cần quan sát trẻ không cho trẻ cầm ngậm, vừa chơi vừa ăn. Khi mua đồ chơi cho con- cháu phải biết tránh những đồ chơi mà trẻ có thể ngậm nuốt.
Khi có nguy cơ hóc, nuốt dị vật, phải bình tĩnh xử trí, không gào thét, khóc lóc, la hét mắng mỏ… Không làm trẻ giật mình, không hù dọa trẻ làm các con khóc thét…