Suy tim: Nhận biết, nguyên nhân, điều trị và đề phòng biến chứng
Suy tim là hậu quả cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch chưa được điều trị đúng hoặc kịp thời.
1. Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu, nguyên nhân có thể do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim làm cho tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đủ cho các nhu cầu của cơ thể. Khi bị suy tim, người bệnh sẽ bị mệt mỏi và khó thở, giảm khả năng lao động nhất là các hoạt động cần gắng sức như đi bộ, leo cầu thang…Ngoài ra người bệnh bị suy tim nặng rất dễ tử vong do các rối loạn nhịp và các đợt suy tim mất bù.
Đây là bệnh lý thường gặp và nguy hiểm. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị bệnh đúng và kịp thời sẽ làm giảm biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Theo thống kê Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim.
2. Nguyên nhân gây bệnh suy tim
Nguyên nhân gây suy tim rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là do mắc các bệnh về tim.
- Do mắc bệnh tim bẩm sinh
- Có tiền sử nhồi máu cơ tim khiến tim có sẹo và làm giảm khả năng co bóp khiến chu trình bơm máu của tim bị ảnh hưởng
- Mắc các bệnh lý về van tim như: hẹp van tim, hở van tim…
- Mắc bệnh động mạch vành; bệnh viêm cơ tim..
- Bị rối loạn nhịp tim trong thời gian dài
- Do mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp làm tăng áp lực lên tim và quả tim phải làm việc quá sức kéo dài; bệnh đái tháo đường; tuyến giáp; suy thận…
- Hoặc do bệnh nhân sử dụng thuốc để điều trị ung thư và các bệnh mạn tính khác…
Ngoài ra, suy tim trở nên trầm trọng hơn khi:
Người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc hoặc uống không đều, không đúng liều;
Bị nhiễm khuẩn;
Rối loạn nhịp tim;
Thiếu máu;
Chế độ ăn quá mặn;
Người bệnh có thai;
Uống các thuốc có hại cho tim như kháng viêm không steroid, chẹn canxi…
3. Triệu chứng bệnh suy tim
Triệu chứng của bệnh suy tim ở mỗi người một khác, chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn tiến âm thầm trong nhiều ngày. Các biểu hiện điển hình thường gặp nhất của suy tim là:
- Khó thở: Đây là biểu hiện điển hình hay gặp nhất. Người bệnh có thể khó thở khi đang hoạt động hay nghỉ ngơi.
- Mệt mỏi: Người bệnh hay cảm thấy cơ thể mệt mỏi, yếu, hụt hơi trong sinh hoạt hàng ngày.
- Phù chân: Người bệnh có thể bị sưng vùng mắt cá chân do bị tích nước. Phù có thể nặng hơn vào cuối ngày.
Ngoài ra người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như:
Thay đổi về cân nặng;
Nhịp tim nhanh và loạn;
Ho dai dẳng và có thể có máu;
Thở khò khè;
Đầy hơi, chướng bụng;
Hay chóng mặt, thậm chí ngất xỉu…
Một số người bệnh còn lo lắng, mất ngủ…
Khó thở, nhịp tim nhanh, loạn... là dấu hiệu điển hình của suy tim
4. Chẩn đoán bệnh suy tim
- Xét nghiệm máu tổng quát giúp chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim.
- Siêu âm tim: Đánh giá chức năng toàn bộ cơ tim ( thất trái, van tim, kích thước buồng tim, áp lực động mạch phổi, dịch màng tim…)
- Điện tâm đồ ECG: Có thể phát hiện dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim...
- X-quang tim phổi
- Chụp động mạch vành: Thường để tìm nguyên nhân suy tim
- MSCT động mạch vành: Để tìm nguyên nhân suy tim nghi do bệnh động mạch vành…
- MRI tim: Khi nghĩ đến nguyên nhân suy tim là do viêm cơ tim
- Holter điện tâm đồ 24 giờ: Khi nghi ngờ loạn nhịp
Người bị các bệnh mạn tính: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim bẩm sinh, các bệnh van tim không được kiểm soát; bệnh phổi tắc nghẽn.
Ngoài ra các đối tượng người cao tuổi, nam giới hút thuốc lá, ăn mặn và béo phì, lười vận động cũng rất dễ bị bệnh.
6. Bệnh suy tim có nguy hiểm không?
Khi suy tim ở giai đoạn cuối, các bệnh nhân phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng bệnh nhân…
Khó thở, phù, mệt mỏi là những triệu chứng khiến bệnh nhân suy tim phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên họ còn phải đối mặt với hàng loạt những biến chứng nguy hiểm khác như:
- Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Do hình thành các cục máu đông gây tắc các động mạch.
- Rối loạn nhịp tim khiến bệnh nhân đột tử: Do nhịp tim quá nhanh, rung thất… có thể dẫn tới nguy cơ đột tử.
- Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp: Bệnh gây ứ dịch ở phổi gây ra các cơn ho khan, tức ngực, khó thở…
- Hỏng van tim: Tim luôn phải gắng sức khiến các dây chằng và van tim dễ bị giãn hỏng.
- Thiếu máu: Các chức năng cơ thể bị suy giảm, nhất là thận khiến cơ thể bị thiếu máu.
- Tổn thương thận, gan: Suy tim khiến chức năng thận bị suy giảm. Ngoài ra, suy tim lâu ngày dễ dẫn đến xơ gan, suy gan.
Người bệnh suy tim khi thấy các dấu hiệu: khó thở, phù, đánh trống ngực, hồi hộp, đau ngực, tăng cân nhanh, mệt mỏi, ngất… cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.
7. Các biện pháp điều trị bệnh suy tim
Điều trị suy tim bằng thuốc kết hợp giải quyết các vấn đề, nguyên nhân gây suy tim theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa: thông mạch vành, sửa van, thay van, chữa các bệnh lý bẩm sinh…
7.1. Điều trị nội khoa
- Chẹn beta giao cảm: Giúp bệnh nhân cải thiện được tỉ lệ tử vong và nguy cơ đột tử do nguyên nhân rối loạn nhịp
- Ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: Là thuốc giúp cải thiện được triệu chứng của bệnh góp phần làm giảm tử vong.
- Lợi tiểu: Thường được chỉ định trong suy tim ứ huyết, góp phần cải thiện được triệu chứng bệnh.
- Thuốc lợi tiểu kháng Aldosterone: Làm giảm nguy cơ đột tử khi bị suy tim.
- Digoxin: Đây là thuốc có thể cải thiện được các triệu chứng của suy tim, tuy nhiên cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ khi dùng kéo dài.
- Kết hợp nhóm thuốc Valsartan/Sacubitril: Có thể giúp vượt qua ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đơn thuần trong điều trị bệnh suy tim.
7.2. Cấy máy ICD
Được bác sĩ chỉ định khi suy tim EF ≤35%, vẫn còn triệu chứng sau khi điều trị nội khoa do thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp thất nặng, giãn cơ tim…. Tiên lượng sống thêm ≥1 năm.
7.3. Cấy máy CRT
Nhiều bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng vẫn còn triệu chứng sẽ được chỉ định cấy máy CRT, đặc biệt khi suy tim EF ≤35%, QRS ≥130ms.
7.4. Ghép tim
Được bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định khi suy tim ở giai đoạn cuối, các biện pháp điều trị không còn hiệu quả, bệnh nhân dưới 65 tuổi. Tuy nhiên chống chỉ định khi bệnh nhân bị tăng áp phổi cố định, bệnh lí toàn thân nặng, ung thư...
8. Phòng ngừa suy tim
Người mắc bệnh tim nên ăn nhiều hoa quả rau xanh
Người bị bệnh tim nói chung cần có những kiến thức cơ bản để làm chậm tiến triển bệnh, đề phòng suy tim và các biến chứng nguy hiểm.
- Tuyệt đối không được làm việc và hoạt động quá sức. Nên tập luyện nhẹ nhàng như yoga, đi bộ …;
- Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, giảm muối. Ăn nhiều hoa quả rau xanh. Hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật, không nên ăn phủ tạng động vật;
- Kiểm soát huyết áp, uống thuốc đều đặn;
- Kiểm soát đường máu, mỡ máu;
- Điều trị triệt để các bệnh tim cấu trúc;
- Không hút thuốc, hạn chế tối đa rượu bia;
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, cần có phương pháp giảm cân nếu nếu thừa cân;
- Luôn vui vẻ, lạc quan, tránh stress căng thẳng trong cuộc sống, công việc hàng ngày;
- Luôn ý thức thăm khám bệnh định kỳ và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đậu phụ là một lựa chọn lành mạnh cho những người ăn kiêng nhưng vẫn muốn ăn đủ chất.
Nguồn: [Link nguồn]