Suy hô hấp, phù phổi vì đuối nước
Sau khi được sơ cứu, móc họng, hô hấp nhân tạo, chỉ 5 – 10 phút sau, Đan đã nôn ra nhiều nước và tỉnh lại, tự đi được xe đạp về nhà. Nhưng sau đó, Đan thấy mệt, có biểu hiện ho, sốt, môi tím tái dần.
Đến mùa hè, vợ chồng chị Vũ Thị Ngà trú tại Cẩm Phả, Hà Nội lại đưa con ra bờ biển cho bé tắm và tập bơi. Năm ngoái, cháu bé 5 tuổi đã bị đuối nước. May mắn bé không bị tử vong nhưng đến nay, cháu bị ảnh hưởng nặng nề ở phổi. Cứ thay đổi thời tiết, cháu bé lại ho dữ dội và viêm phế quản. Nhìn vào con, chị Ngà đau xót vì "Bố mẹ sai một ly con khổ cả đời".
Cần cảnh báo đuối nước ở trẻ em. Ảnh minh họa
Trường hợp của cháu Nguyễn Đăng Đan trú tại Bắc Ninh cũng khiến các bác sĩ ở khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai thót tim. Vào mùa hè năm ngoái, các bạn rủ xuống một đầm nhỏ tắm. Bé Đan không biết bơi nên ở trên xem bạn bè tắm. Cháu bé bị bạn bè lôi xuống vùng nước sâu hơn. Thấy Đan càng hoảng sợ, bạn bè của cậu càng thích thú hơn. Đến khi thấy cháu chới với, vùng vẫy, các bạn hoảng sợ nhưng không cứu được.
May là có một người đàn ông đang câu cá ở gần đó, các cháu hô hoán nên ông đã chạy đến kéo cháu Đan lên kịp thời. Sau khi được sơ cứu, móc họng, hô hấp nhân tạo, chỉ 5 – 10 phút sau, cháu đã nôn ra được nhiều nước và tỉnh lại, tự đi được xe đạp về nhà.
Về đến nhà Đan thấy mệt nên lên giường nằm và từ đó bắt đầu có biểu hiện ho, sốt, môi tím tái dần. Gia đình đưa cháu đến BV đa khoa tư nhân Kinh Bắc, kết quả chụp phim phổi cho thấy phổi đã gần như trắng quá nửa dưới phế trường 2 bên phổi, nên BV cho cháu chuyển ngay lên Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Theo PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh nhi được chẩn đoán bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước, hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển nhanh. Dù bệnh nhi tự thở được nhưng phân áp ôxi trong phổi vẫn rất thấp (25mmHg), chỉ bằng khoảng ¼ so với mức bình thường vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxi.
Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt máy thở loại hiện đại, chế độ thở hô hấp kiểm soát hỗ trợ với PEEP cao để nhanh chóng đưa nồng độ oxy lên. Sau 3 ngày liên tục thở máy, tình trạng viêm phổi của bệnh nhi cơ bản được đẩy lùi.
Đuối nước ở trẻ nguy hiểm vô cùng
Bác sĩ Dũng cho biết: “Đặc trưng của người bị đuối nước ở ao hồ, hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung, không phải bể bơi, là rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn độc tính cao hoặc các hóa chất thải ra môi trường nước, dẫn đến phù phổi cấp tổn thương.
Vì thế, ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại sau sơ cứu ban đầu, vẫn nên đưa người bệnh đến bệnh viện để theo dõi và kiểm tra các biến chứng nặng có thể xảy ra sau đuối nước.
Khi đó chúng ta có thể phát hiện sớm tình trạng phù phổi qua theo dõi diễn biến lâm sàng và chụp phim phổi, bởi diễn biến tình trạng thường rất nhanh. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm các biến chứng có thể xảy ra bằng thở oxy, sử dụng các thuốc lợi tiểu, dùng kháng sinh có thể ngăn chặn diễn biến bất thường và cứu sống cho bệnh nhân”.
Theo phó giáo sư Dũng, có thể chia đuối nước ra làm 2 loại: loại ở hồ bơi và ở nguồn nước tự nhiên như: ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch... Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, không sạch, chứa vi trùng... thì sau vài tiếng trẻ hít phải nước đó vào phổi nó có thể phá hủy phổi.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do vì có khoảng 15-30% số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ. Như trường hợp của Đan nếu chụp phổi phát hiện sớm thì việc cứu chữa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tỷ suất tử vong do đuối nước là 8/100.000 người/năm. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước, cao nhất là nhóm trẻ từ 0-4 tuổi: trung bình 22 ca/100.000 trẻ/năm. Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) cũng công bố thông tin: Tại Việt Nam, cứ bốn trẻ em tử vong (1 đến 4 tuổi), thì có một trẻ bị tử vong do nguyên nhân đuối nước. |