Sửa Nghị định về mang thai hộ để thuận cho dân
Đến nay, cả nước đã có gần 100 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ thành công khá bất ngờ, đạt khoảng 50%.
Kiểm tra số lượng tinh trùng trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.Ảnh: Trần Ngọc
Sau một năm thực hiện Nghị định về mang thai hộ, mặc dù còn một số vấn đề pháp lý cần được điều chỉnh cho phù hợp thực tế, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo, người có nhu cầu không nên thực hiện “chui” bởi kỹ thuật này đòi hỏi cao hơn biện pháp thụ tinh thông thường.
Sau một năm Nghị định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi vào thực tế, chúng ta đã đạt được kết quả gì, thưa ông?
Nghị định này đã tăng cơ hội làm cha, mẹ cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Trước đây, nhiều trường hợp đã phải ra nước ngoài để thực hiện, rất tốn kém. Đến nay, cả nước đã có gần 100 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ thành công khá bất ngờ, đạt khoảng 50%. Tin vui là trong tháng 1 này, đứa trẻ đầu tiên bằng kỹ thuật mang thai hộ sẽ ra đời.
Có nảy sinh những khó khăn gì trong quá trình thực hiện không, thưa ông?
Trong quá trình triển khai có thuận lợi và cả những khó khăn. Nhiều người cho rằng, thực hiện kỹ thuật của mang thai hộ cũng giống như kỹ thuật xin noãn, xin phôi, xin tinh trùng nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Có những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật mang thai hộ vì lý do bản thân người phụ nữ không có tử cung nhưng vẫn có hai bên buồng trứng, nhưng những trường hợp này kỹ thuật lấy noãn khó khăn hơn rất nhiều.
Thậm chí, có ca chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng mà nếu không có kinh nghiệm sẽ không thể thực hiện được. Hay thực hiện cho trường hợp người vợ mắc các bệnh lý nặng mà không thể mang thai được, ví như bệnh lý về tim mạch, huyết áp, gan, thận…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Với những trường hợp này, buồng trứng vẫn hoàn toàn bình thường, nhưng trong quá trình thực hiện có rất nhiều rủi ro, thậm chí cả nguy cơ tử vong. Ngoài ra, những trường hợp tử cung bất thường không thể mang thai được cũng phải thực hiện kỹ thuật này. Do vậy, kỹ thuật mang thai hộ đòi hỏi cao hơn các kỹ thuật thụ tinh khác.
Bên cạnh đó, còn khó khăn về mặt pháp lý, một bộ hồ sơ để đủ điều kiện mang thai hộ cần rất nhiều dấu đỏ, từ chứng nhận người mang thai hộ cùng huyết thống, họ hàng, đến chứng nhận hôn nhân gia đình và nhiều vấn đề khác… Đòi hỏi về mặt pháp lý phải đầy đủ mới được thực hiện dù về kỹ thuật đã có chỉ định chuyên môn là có.
Hoàn toàn không nên thực hiện việc mang thai hộ với mục đích thương mại. Vì không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống người mang thai hộ sau sinh con tiếp tục quấy rối, vòi vĩnh tiền hoặc không trao trả con… Trong trường hợp này, người nhờ mang thai hộ hoàn toàn đuối về mặt pháp lý. Hơn nữa nếu thực hiện việc này ở những cơ sở y tế trôi nổi, chắc chắn kỹ thuật không tốt, không đảm bảo, như vậy rất dễ “tiền mất tật mang”. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến |
Nhiều người cho biết, khi về xã lấy chứng nhận thì cơ sở cho rằng chưa biết đến luật này hay nghị định này nên không xác nhận. Khi đó, họ lại trở về trung tâm photo văn bản, hướng dẫn rồi quay lại xã, phường thì lúc đó mới được chứng nhận. Có những trường hợp mất 5-6 tháng mới hoàn thiện bộ hồ sơ. Theo tôi quy định pháp lý như vậy là ổn và cần thiết. Tuy nhiên, cần sự tuyên truyền rộng khắp về nghị định này đến tận cơ sở để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng chuẩn bị hồ sơ.
Theo ông, cần điều chỉnh gì để Nghị định về mang thai hộ thực sự đạt được mục đích nhân đạo?
Tôi cho rằng còn một số vấn đề chưa hoàn toàn phù hợp do thực tế phát sinh. Ví như, quy định những cặp vợ chồng nào chưa có con chung thì mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nhưng trong thực tế có những cặp vợ chồng đã có 1 con nhưng đứa trẻ tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở trước đó bị ảnh hưởng bởi các thủ thuật sản khoa, và không may người mẹ lại có tai biến sản khoa buộc phải cắt tử cung để giữ mạng sống.
Một đứa con tàn tật như vậy, trong khi noãn trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha hoàn toàn bình thường, mà nếu như họ được sinh thêm một đứa con thì chắc chắn nhân đạo hơn. Và hơn nữa, đứa con được sinh bằng kỹ thuật mang thai hộ sau này sẽ là nguồn chính nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ và ngay cả anh, chị tàn tật của mình.
Trước đây, khi tham gia đề xuất, soạn thảo nghị định, thông tư về mang thai hộ, chúng tôi từng nghĩ nếu đứa trẻ sinh ra tật nguyền thì đó là do bệnh lý di truyền, vậy sinh ra thêm đứa trẻ tật nguyền thứ hai nữa thì lại thêm gánh nặng và càng khổ hơn, như vậy mất đi ý nghĩa nhân đạo của kỹ thuật này. Nhưng lúc đó, chúng tôi chưa nghĩ đến những đứa trẻ sinh ra tật nguyền nhưng không do yếu tố di truyền gây nên…
Theo đó, trước mắt chúng ta vẫn thực hiện nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần sửa thêm một số điểm, khía cạnh, những điều chưa phù hợp với thực tiễn. Được như vậy Nghị định này sẽ mang nhiều ý nghĩa nhân văn hơn nữa.
Cảm ơn ông!