Sứa biển hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp, tiêu hóa

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Sứa biển là động vật thân mềm, được sử dụng trong nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, và là một vị thuốc hỗ trợ trong chữa nhiều bệnh như viêm khí phế quản mạn tính, viêm phổi, ho có nhiều đờm…

Sứa biển – thanh nhiệt, hóa đàm

Sứa biển có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm.

Sứa biển có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm.

Sứa biển còn có tên gọi là hải triết, thạch kính, thủy mẫu...

Sứa là động vật biển thân mềm thuộc ngành ruột khoang (Coelenrata), thuộc loài Cridanian. Sứa có đường kính 30 - 100cm, nặng tối đa 50kg. Loài sứa có hình dáng giống lá sen, có nhiều ở ven bờ biển Đông, tên là Aurelia aurita. Vùng ven biển nước ta còn có sứa chỉ, sứa hồng…, các loài này gây ngứa nhiều hơn.

Bộ phận dùng: Cả con sứa (hải thiết).

Bộ phận dùng làm thuốc là da, gọi là hải thiết bì. Có thể muối sứa làm thực phẩm: Sứa tươi cạo bỏ nhớt, rửa sạch, thái miếng, cho vào nước lá sung hay đinh lăng, mỏ vẹt, đun sôi để nguội; muối 4 - 5 ngày, ăn cùng đậu phụ và rau thơm.

Thành phần dinh dưỡng: Sứa có nhiều protein, ít lipid, có hàm lượng carbohydrate vừa phải, các chất khoáng P, Ca, Fe và các sinh tố B1, B2, Na; choline. Cứ 1.000g sứa có chứa 1.320mg iode.

Nghiên cứu dược lý: Sứa có tác dụng làm giãn mạch, hạ huyết áp.

Tính vị qui kinh: Vị mặn, tính bình; vào phế can, thận.

Theo các y văn cổ: Lớp vỏ ngoài của hải triết gọi là hải triết bì vị mặn, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu tích, khu phong, trừ thấp; dùng cho các trường hợp ho và lao tổn, hoạt huyết, tiêu u cục, táo bón, đau đầu, khí hư, viêm sưng khớp gối, viêm sưng hạch...

Công năng chủ trị: Thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu tích, nhuận tràng; dùng cho các trường hợp ho suyễn nhiều đờm (hen suyễn, viêm khí phế quản, viêm họng) táo bón, đầy bụng, phù nề, viêm sưng hạch, nhuyễn kiên (làm mềm khối cứng trong cơ thể).

Liều dùng, cách dùng: 50 -100g; nấu hầm, trộn ướp.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Một số thực đơn chữa bệnh có sứa biển

Củ cải trắng

Củ cải trắng

- Canh sứa củ cải: Sứa 120g, củ cải trắng 60g. Sứa rửa sạch nước mặn, thái lát; củ cải thái lát thêm gia vị nấu dạng canh súp. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản mạn tính (tạng bệnh có liên quan với dị ứng miễn dịch...).

Có thể nấu canh sứa với cà rốt hay củ năng để chữa viêm phổi có mủ, ho có nhiều đờm.

- Tuyết canh thang: Sứa 50g, củ năng (mã thầy) 4 củ. Sứa rửa sạch nước mặn thái lát, củ năng gọt vỏ ngoài thêm gia vị nấu canh. Dùng cho các trường hợp đờm nhiệt âm hư, đại tiện táo bón. Có thể dùng cho trẻ em có các biểu hiện u cục tích kết ở bụng, viêm sưng hạch, táo bón.

- Củ năng ngâm rượu hải triết tiêu bì: Củ năng to 100 củ, hải triết 500g, vỏ hồ tiêu 120g, rượu 1500ml. Ngâm sau 7 ngày lấy ra ăn. Mỗi sáng ăn 4 củ. Dùng cho mọi trường hợp có sưng hạch, táo bón, đầy trướng bụng.

- Nước sắc mã đề hải triết: Hải triết (sứa) 50 - 100g, mã đề 100 - 150g, nấu sắc lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, sốt nóng, đau sưng họng, ho khan, đờm đặc vàng dính, táo bón, bệnh tăng huyết áp.

- Xào sứa, củ năng: Sứa 50g, củ năng 50g, tây dương sâm 10g, gừng 5g, hành 10g, dầu 30g. Sứa thái miếng, củ năng gọt vỏ ngoài thái mỏng, gừng đập nát. Xào sứa, củ năng, tây dương sâm, sau đó cho gừng, hành, muối vừa đủ. 3 ngày ăn một lần. Trị ho có đờm, chữa tăng huyết áp.

- Món nộm sứa: Sứa khô 100g, tôm he khô 100g, thịt lợn nạc 100g, trứng 2 quả, dưa chuột 100 – 200g, cà rốt 100g, đu đủ 100g. Sứa ngâm nước gạo, rửa sạch cát, chần qua nước sôi, để ráo, thái chỉ; tôm bóc vỏ, ngâm mềm, giã bông, sao khô; thịt lợn ướp mắm, hạt tiêu, hành, rán chín, thái chỉ; dưa chuột bỏ ruột, thái chỉ, bóp muối, vắt nước để ráo; cà rốt, đu đủ gọt vỏ, nạo nhỏ, bóp muối, vắt để ráo trộn với ít đường; trứng tráng mỏng, thái chỉ. Trộn 1/2 sứa, tôm, thịt, trứng với với dưa chuột, cà rốt đu đủ cùng mắm, chanh, tỏi, cho lên đĩa sau rắc nốt sứa tôm thịt trứng còn lại lên trên. Công dụng bổ thận tráng dương.

Nguồn: [Link nguồn]

Bé gái nhập viện vì bỏng da nặng do tiếp xúc sứa biển

Ban đầu vùng cánh tay phải bé chỉ hơi nóng và đau rát nhưng sau đó tiếp tục nổi nhiều bóng nước lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS. Nguyễn Đức Quang - Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền Quân đội ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN