Sự thật về COVID-19 lây qua lỗ thông gió trong chung cư?
Gần đây, câu chuyện một số hộ dân sống ở chung cư tại TPHCM mắc COVID-19 khi ở gần nhau, cùng trục đứng, cùng block được nói đến khá nhiều tại các diễn đàn mạng xã hội hoặc các group một số khu dân cư. Sự thật thế nào?
Người dân sống ở chung cư truyền nhau thông tin COVID-19 có thể lây qua giếng trời, hay lỗ thông gió trong các toà nhà, căn hộ chung cư. Bằng chứng được đưa ra là tại chung cư A, các căn hộ có người dương tính với SARS-CoV-2 đều cùng chung một trục dọc các tầng. Thậm chí “cư dân mạng” còn “sưu tầm” và phân tích virus theo lỗ thông gió trong toilet từ tầng dưới đi lên tầng trên như thế nào.
Một tài khoản trên mạng xã hội viết: “ở Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định, virus SARS-CoV-2 có kích thước rất nhỏ, bên trong virus là một chuỗi di truyền đơn RNA được đóng gói trong một lớp màng mỡ mỏng. Vì vậy, khi bị phát tán ra ngoài không khí, các virus này thường nằm dưới dạng các hạt li ti. Ở nơi có gió và nắng, các hạt li ti này nhanh chóng tan đi, khiến virus "rã" ra, vì virus Sars-Cov-2 không phải là vật thể sống, nên nó cần vật chủ để tồn tại và nhân bản. Vì thế, nếu ở ngoài đường nơi thoáng mát, nắng nóng, không khí sẽ ít có virus tồn tại. Còn tại các khu chung cư, nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém. Khi có người bị nhiễm, virus Sars-cov-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, cười nói. Virus Sars-Cov-2 từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tuỳ từng mùa”
Điều này, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, không bao giờ có chuyện vô lý như thế.
Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một trong những chuyên gia bệnh truyền nhiễm ỏ TPHCM cho biết, giếng trời chung cư là lấy gió từ trên trời thổi vào các căn hộ, chứ không thể tự nhiên từ căn hộ thổi ngược lên trên. Cũng không có chuyện người F0 sống trong căn hộ, hơi thở lại thổi vào ô thông gió. "Sự lây lan chỉ có thể xảy ra khi người F0 mắc võng ra hành lang, khu vực giếng trời ngủ và di chuyển trong thang máy"- bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cũng đã trả lời vấn đề này. Theo bác sĩ Tâm, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định việc virus có thể lây lan qua hệ thống thông gió chung cư. “Có thể mọi người nắm được thông tin chủng virus Delta có thể lơ lửng trong không khí, từ đó suy luận rằng virus có thể lây qua hệ thông khí chung của chung cư. Tuy nhiên, điều này không có cơ sở. Virus Delta lây lan qua giọt bắn, có khả năng tồn tại ở môi trường nhưng không lâu. Với nhiệt độ nắng nóng thế này, nếu virus bị bắn ra ngoài, cũng sẽ bị nắng nóng tiêu diệt không lâu sau đó”, bác sĩ Tâm giải thích thêm.
Trước đó, trong một cuộc trả lời trực tuyến, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc lây lan virus còn tùy thuộc vào luồng gió và chúng ta chưa thể chứng minh được các căn hộ trong chung cư có thể lây chéo COVID-19 cho nhau do hệ thống thông gió. "Chỉ những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nhau mới có thể dẫn đến lây lan virus"- bác sĩ Hùng nói và lấy ví dụ hai căn hộ cạnh nhau, một căn đang có F0 cách ly nhưng căn còn lại chủ quan, lơ là, vẫn ra hành lang hít thở không khí thì hoàn toàn có thể lây nhiễm.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, trong nhà có 2 phòng, trong đó có một phòng cách ly F0, nhưng cửa chung thì việc lây lan virus có thể xảy ra vì bầu không khí thông với nhau, virus có thể đi theo không khí, theo các luồng gió kéo theo vẫn có thể lây được.
Trừ khi căn hộ đối diện có F0, mà căn hộ mình có cửa sổ quay ra căn đối diện, hoặc quay ra hành lang đi chung thì cửa sổ nên được đóng chặt. Còn lại, trong thời gian F1 hay F0 cách ly tại nhà, các cửa sổ thông thoáng, có không gian rộng thì cần được mở thường xuyên để lấy đủ oxy cho dễ thở và giúp làm loãng tải lượng virus trong phòng"- Bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo.
Các nhóm "đỏ", "da cam", "xanh" và đại diện hộ gia đình tại quận huyện có nguy cơ cao sẽ được lấy...
Nguồn: [Link nguồn]