Sự thật "thần dược" cây dừa cạn chữa khỏi bệnh ung thư
“Việc nhiều người cho rằng dừa cạn có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư là hoàn toàn sai lầm”, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM khẳng định.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư (bệnh nhân K) truyền tai nhau về công dụng tuyệt diệu của cây dừa cạn như một “thần dược” có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư, chữa bệnh tiểu đường, lợi tiểu… Điều đáng nói là họ xem cây dừa cạn như một "thần dược" cứu sống mình khi đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Cây dừa cạn thường mọc hoang tại các vùng đất trống
Chị Minh Th. (32 tuổi,quê ở Bình Dương) mặc dù còn trẻ nhưng chị đang mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2, chị cho biết: “Tôi vừa phát hiện mình mắc bệnh từ đầu năm nay, khi biết thì đã sang giai đoạn 2. Một tuần tôi phải lên bệnh viện K để điều trị xạ trị. Hiện tại tôi đã có chồng nhưng vẫn chưa có con, khi biết mình bị bệnh tôi rất đau lòng, chỉ muốn chết đi cho đỡ ảnh hưởng đến gia đình.
Chồng tôi thường xuyên động viên tinh thần và chạy chữa thuốc thang đủ mọi nơi. Khi nghe người ta giới thiệu về tác dụng của cây dừa cạn, anh ấy cũng tìm mọi cách để kiếm cây dừa cạn về cho tôi dùng. Tôi có sắc lấy nước uống nhưng cảm thấy bệnh tình không mấy thuyên giảm.”
Theo đó, chị Th. cho biết thêm, hiện tại có nhiều người cùng hoàn cảnh như chị cũng ngày ngày đi tìm cây dừa cạn để về phơi khô nấu uống mà chưa thực sự biết về bản chất của cây dừa cạn này.
Để tìm hiểu rõ hơn về loại “thần dược” này, ngày 19/10, PV báo Người Đưa Tin đã đến gặp Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Tim mạch bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM. Trao đổi với PV, Bác sĩ Hùng cho biết: “Việc nhiều người truyền tai nhau rằng dừa cạn có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư là hoàn toàn sai lầm.
Cây dừa cạn thường nhỏ cao 0,4-0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên. Mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên, quả gồm 2 đại, dài 2-4cm, rộng 2-3mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, trong quả chứa 12-20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc. Mùa hoa quả gần như quanh năm. Nó mọc nhiều ở những vùng đất trống nhưng ít được mọi người biết đến công dụng của nó.
Tính đến nay, Y học cổ truyền chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại cây này, chính bệnh viện của chúng tôi cũng thế. Tuy nhiên trên Thế giới cũng có nghiên cứu và công bố kết quả, nhưng theo tìm hiểu của tôi, cây dừa cạn có chứa chất Ancaloit, nó chỉ dùng để hỗ trợ điều trị sau khi bệnh nhân điều trị xạ trị xong, có nghĩa là nó chỉ dùng kết hợp với điều trị xạ trị chứ không dùng chữa bệnh đơn thuần.
Tuy nhiên, lượng chất ancaloit này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dừa cạn và việc tiết chế này trong dừa cạn gặp rất nhiều khó khăn. Để chữa được bệnh ung thư, các nhà khoa học phải điều chế ancaloit trong dừa cạn thành muốn sulfat. Tùy theo việc điều trị bệnh ung thư đó là gì vầ ở giai đoạn nào mà công tác điều chế ancaloit cho ra các chế phẩm là khác nhau. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị đến từ việc sử dụng cây này cũng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình sức khỏe cũng như giai đoạn tiến triển riêng của bệnh ung thư.
Điều đáng quan tâm là không phải bệnh nhân nào bị ung thư cũng có thể sử dụng cây dừa cạn này bởi cây dừa cạn chỉ có tác dụng cho bệnh ung thư Hodgkin - là một dạng u lymphô ác tính, là một loại ung thư hệ bạch huyết. Điển hình là u xuất hiện ở hạch bạch huyết rồi sau đó lan dần theo thứ tự đến các hạch khác, lách, gan và tuỷ xương. Bệnh Hodgkin còn được gọi là u lymphô Hodgkin.”
Được biết nếu muốn dùng cây dừa cạn để làm thuốc thì phải phơi khô thân, lá, và rễ của cây thật khô sau đó sắc lấy nước uống. Liều dùng của loại thuốc nay cũng rất quan trọng, thông thường mỗi liều dùng chỉ từ 15 đến 10gr.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, dừa cạn ngoài chức năng hỗ trợ điều trị ung thư sau khi bệnh nhân điều trị xạ trị thì rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun, chữa sốt. Thân và lá có tính chất săn da (astringent), lọc máu (dépuratif), dùng chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa tiểu đường.
Nhưng, một điều quan trọng mà ai cũng nên biết đó là ít nhiều trong cây dừa cạn cũng có chứa độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, chính vì thế bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định dùng loại cây này trong công tác chữa trị vì nó không phải thuốc chính trong điều trị ung thư như nhiều người đồn đoán.