Sốt xuất huyết, tay-chân-miệng tăng mạnh
Vài tuần nay, số ca bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết tăng gấp 2-3 lần so với trước.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP đã có khoảng 5.600 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có năm ca tử vong và khoảng 7.000 ca tay-chân-miệng (TCM), một ca tử vong. BS Dũng khuyến cáo SXH và TCM là những bệnh truyền nhiễm, hiện chưa có vaccine phòng bệnh và đang vào chu kỳ phát bệnh.
BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết vài tuần trở lại đây, số ca bệnh TCM và SXH tăng gấp 2-3 lần so với trước. Hiện khoa có hơn 60 ca TCM và hơn 30 ca SXH. “Số trẻ nặng vào sốc cũng đã xuất hiện dù chưa nhiều” - BS Nam nói. Theo nhận định của BS Nam, sắp tới có khả năng bệnh viện sẽ tiếp nhận rất nhiều ca mắc TCM.
Phụ huynh còn chủ quan khiến con em mắc bệnh TCM và SXH còn nhiều. Ảnh: TÙNG SƠN
Chị Nh., mẹ của bé TTP (bốn tuổi, quận Gò Vấp) đang điều trị tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết: Cách đây bảy ngày, thấy bé P. ho khò khè nên đi khám, hai ngày sau thì bé phát sốt nên gia đình đưa vào BV Nhi đồng 2. Tại đây, bác sĩ cho biết bé bị SXH phải nhập viện điều trị. “Bảy ngày bé không ăn uống được nên sụt giảm từ 25 kg xuống còn 23 kg. Nghe bác sĩ nói một trẻ có thể mắc bốn lần SXH nên tôi lo” - chị Nh. nói. Khi chúng tôi hỏi chị có biết những biện pháp phòng bệnh cho con không, chị Nh. nói mới nghe bác sĩ dặn khi về nhà nhớ dọn dẹp xung quanh, không để lu vại, nước đọng cho muỗi ở.
Bệnh nhi TBL (10 tháng tuổi, Đồng Nai) vừa nhập vào khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 với TCM nổi đầy bóng nước. Mẹ bé cho biết cách đây ba ngày bé sốt, khóc bứt rứt nên chị đưa đến BV Nhi đồng tỉnh Đồng Nai khám, bác sĩ nói bé mắc TCM độ một và cho thuốc về nhà uống nhưng không đỡ nên gia đình đưa vào BV Nhi đồng 2 cho yên tâm. “Thấy nổi bóng nước là tôi nghi bé mắc TCM rồi. Nghe nói bị TCM rất dễ vào sốc, tử vong nên tôi lo lắm” - mẹ bé L. nói. Cũng theo lời chị, bé vẫn thường hay cầm nắm, ngậm các đồ chơi, lâu lâu chị mới rửa đồ chơi cho con bằng nước chứ không dùng xà phòng.
BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết dịch bệnh SXH đang vào thời điểm giữa mùa, còn TCM là vào mùa thứ hai trong năm nên bệnh tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, theo BS Thọ, khó có khả năng xảy ra dịch ồ ạt và tử vong nhiều như năm 2011. Hiện ngành y tế TP đang giám sát, theo dõi thường xuyên để có cảnh báo kịp thời nếu dịch bệnh có diễn biến xấu.
Khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế - Hiện TP đã bước vào mùa mưa, nguy cơ bệnh SXH gia tăng trong những tuần tới là không tránh khỏi. Mọi người, mọi nhà hãy phòng bệnh SHX bằng những biện pháp đơn giản như ngủ mùng; giữ cho nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng, không treo quần áo, đồ đạc bừa bãi… nhằm hạn chế nơi muỗi ẩn nấp; đậy kín các vật dụng chứa nước; không vứt rác bừa bãi, quanh nhà không để đọng nước mưa tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. - Để phòng bệnh TCM cho trẻ, người lớn trong gia đình cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và người lớn; tránh để trẻ ngậm đồ chơi, mút tay; thường xuyên rửa sạch đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất của bệnh SXH và TCM là trẻ em nhưng người dân còn tỏ ra lơ là. Những gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý các biện pháp phòng, tránh bệnh cho con em mình, đặc biệt cần nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM |