Sốt xuất huyết ở trẻ em khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng

TS.BS Đỗ Thiện Hải, BV Nhi Trung ương cảnh báo cha mẹ không chủ quan, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ.

TS.BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội tổng quát – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm mùa mưa (khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm). Đây là thời gian thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sản và phát triển. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm mùa mưa, bởi đây là thời gian thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sản và phát triển.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. 

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. 

Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam…

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương.

Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn,…

Theo bác sĩ Hải, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện.

Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây…

Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt: Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau:

- Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh.

- Trẻ buồn nôn và nôn.

- Đau bụng.

- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ)

- Tiểu ít, đi ngoài phân đen

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết: Tránh muỗi đốt, ngủ màn kể cả ban ngày, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt, cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi, thuốc diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp…

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch”, nêu điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN