Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, hãy kiểm tra ngay những vị trí này vì rất có thể chúng là "ổ chứa" bọ gậy trong nhà

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp do vào cao điểm mùa dịch.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng.

Trong đó, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), hiện số ca mắc sốt xuất huyết đã có mặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã, xã, phường và thị trấn. Trong đó một số quận/huyện ghi nhận ca mắc cao gồm: Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng…

Lãnh đạo CDC Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước có bọ gậy tại huyện Thanh Trì. Ảnh TL

Lãnh đạo CDC Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước có bọ gậy tại huyện Thanh Trì. Ảnh TL

Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới, do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm.

Các chuyên gia nhận định, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Cụ thể, muỗi truyền sốt xuất huyết có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà. Do đó, nếu không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì chỉ trong thời gian ngắn, đàn muỗi mới có thể đã nở ra.

"Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước, không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết", ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh. 

Thận trọng với các "ổ chứa" bọ gậy 

Theo các chuyên gia y tế, trên thực tế, dù đã được tuyên truyền cần chủ động dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết hoặc đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, vẫn phát hiện tại nhiều hộ gia đình có dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Ngoài những nơi thường được phát hiện có bọ gậy xung quanh nhà như chum, vại, xô chậu, lốp xe cũ vứt đi, máng chăn nuôi, bể đựng cây cảnh thì ngay trong nhà cũng có nhiều vị trí có thể trở thành ổ chứa bọ gậy mà nhiều người không để ý.

Các chậu cây cảnh, lọ hoa, khay nước tủ lạnh... có thể là ổ chứa bọ gậy. Ảnh minh họa

Các chậu cây cảnh, lọ hoa, khay nước tủ lạnh... có thể là ổ chứa bọ gậy. Ảnh minh họa

Chẳng hạn, các xô nước thải điều hòa, khay đựng nước thải từ tủ lạnh, khay kê chạn bát, dụng cụ chứa nước trên các sân thượng, lan can… nếu không được đổ đi thường xuyên, hoàn toàn có thể trở thành nơi đẻ trứng và "nuôi" bọ gậy trong nhà.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiểm tra những lọ cắm hoa tươi hay những chậu cây cảnh mini thủy sinh trong nhà xem có bọ gậy hay không. Nếu có, cần đổ đi hoặc thay nước mới để tiêu diệt nơi trú ngụ của bọ gậy.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen mua thức ăn trong hộp nhựa, hộp xốp, nếu không được thu gom, xử lý mà vứt bừa bãi, thì sau cơn mưa, nước mưa ứ đọng trong đó, muỗi đẻ trứng, xuất hiện bọ gậy, sẽ có nguy cơ xảy ra sốt xuất huyết.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Có thể diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn.

Hàng ngày loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Bên cạnh đó, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Ngoài ra, người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia cảnh báo một người có thể vừa nhiễm cúm, COVID-19 và sốt xuất huyết

Nhiều người có thể đồng nhiễm 2-3 bệnh như nhiễm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết, khi ấy nguy cơ bị nặng rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh K ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN