Sốt mò cũng có thể tử vong
Mùa đông, mưa dầm, gió bấc, thời tiết ẩm ướt là cơ hội để ấu trùng mò phát triển, xâm nhập vào cơ thể người, gây nên những cơn sốt mò rất nguy hiểm.
Sốt mò hay còn được gọi là sốt phát ban nhiệt đới, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do mầm bệnh là Rickettsia orientails (từ các động vật hoang dã gặm nhấm chuột, thỏ, lợn, các loài chim hoặc vật nuôi như chó, lợn, gà...) gây nên.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, từ đầu năm đến nay đã điều trị gần 40 trường hợp bị sốt mò, cao nhất vào mùa mưa lạnh. Do bệnh chưa phổ biến trong dân sinh nên hầu hết các bệnh nhân đến khám và chữa trị đều để bệnh hành hạ dài ngày. Đặc biệt, mò chỉ đốt một đến hai nốt ở những vị trí kín trên cơ thể như nách, háng, hậu môn, cổ... nên rất khó phát hiện và dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm.
Sốt mò cũng có thể tử vong
Chờ khám bệnh tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ tại huyện Từ Liêm – HN) cho biết: “Tôi bị nóng rét, đau đầu mấy ngày nay, cứ nghĩ thời tiết thay đổi, chỉ bị cảm cúm bình thường nên chủ quan, không đi khám.
Nhưng có người nhà làm bác sĩ tới chơi, thấy biểu hiện và vết đốt tựa như ấu trùng mò nên khuyên tôi đến bệnh viện ngay”. Sốt mò truyền sang người do côn trùng trung gian là ấu trùng mò, người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh không lây từ người sang người. Người bị mò đốt thường sốt nhẹ 1- 2 ngày đầu, sau nổi loét ở các vùng da mềm với những nốt loét không đau, không ngứa, nặng hơn thì nổi hạch và ban dát sẩn toàn thân. Nếu để bệnh lâu ngày, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não – màng não, dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Đặng Hồng Hải - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - thì đặc trưng của bệnh sốt mò là vết đốt giống vết muỗi đốt, sau hơi phỏng rồi vỡ thành vết loét nhỏ đường kính từ 0,5 – 1cm. Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu. Bệnh phục hồi chậm, thời gian dưỡng bệnh kéo dài 1-2 tuần.
Người bị sốt mò khi sốt tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt kẻo để lâu bệnh càng nặng thêm. Trong trường hợp sốt cao, bệnh nhân ăn uống kém, dễ mất điện giải, cần bổ sung truyền dịch, uống thuốc an thần, hạ sốt, ăn nhiều hoa quả như cam, quýt, bổ sung vitamin C, B1...