Sống và chết trong đau đớn vì bệnh ung thư: Không để điều đó xảy ra
Ngày 10/10/2016 tại bệnh viện K2 cơ sở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội các bác sĩ đã tổ chức chương trình văn nghệ cổ vũ tinh thần cho bệnh nhân ung thư với thông điệp “Sống và chết trong đau đớn: Không để điều đó xảy ra”
Đừng sợ ung thư
Chị Hoàng Thị Thanh Thúy – trú ở Hải Phòng, là bệnh nhân ung thư đã di căn vào xương từ năm 2007. Sau gần 10 năm điều trị bệnh, chị vẫn khoẻ mạnh và tham gia tích cực vào các chương trình từ thiện, trong đó có việc tổ chức các chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện để giúp các bệnh nhân ung thư quên đi đau đớn của bệnh tật.
Chị Thuý kể, năm 2007 chị phát hiện ung thư và trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Lúc đầu, khi biết bệnh ung thư chị rất sợ, thậm chí không nghĩ đến mình sẽ ra sao. Nhưng sau đó một thời gian rất ngắn chị lấy lại tinh thần. Chị quên đi tất cả bệnh tật, bắt đầu làm các công việc thiện nguyện để cuộc sống có ích hơn.
Chị thành lập ra câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Tâm giúp những người bệnh bị ung thư về mặt tinh thần tại Bệnh viện K, Viện huyết học và truyền máu trung ương.
Bà mẹ này xúc động khi nghe bài hát Khát vọng gửi tới những người bệnh ung thư, trong đó có con mình.
Đứng trước hàng trăm bệnh nhân bị bệnh ung thư, chị Thuý giọng vui vẻ đầy lạc quan kể về 10 năm chiến thắng ung thư. Chị đã vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tật. Chị đã truyền lửa của mình cho các bệnh nhân khác bởi vì nếu bác sĩ có cố gắng, nếu thiết bị y tế có hiện đại, nhưng bệnh nhân không muốn sống mà cứ nghĩ đến chết thì không thể cứu được. Vì thế, không ai có thể cứu mình bằng chính mình.
Không giấu được cảm xúc của bản thân, chị Hoàng Thị Thanh Thuý đã đôi lần bật khóc khi nhìn những bệnh nhân từng giống chị 10 năm trước, đang bị nỗi sợ hãi của bệnh tật bao quanh và từng nghĩ làm sao để được chết nhanh nhất.
Ca khúc Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được thạc sĩ, bác sĩ Sơn cùng chị Hoàng Thị Thanh Thuý và thành viên của nhóm Hoa Tâm biểu diễn đã giúp cho hàng trăm bệnh nhân ung thư quên đi nỗi sợ hãi. Không ít giọt nước mắt đã rơi trong buổi lễ.
Chị Vũ Thị H. 27 tuổi, quê Bắc Giang bị ung thư phần mềm liên tục rơi nước mắt vì những lời của bài hát Khát vọng. Với chị tâm trạng lúc này thật tốt và chị không còn sợ bệnh ung thư, sợ những lần xạ trị nữa. chị cùng các bệnh nhân đang điều trị ở đây có tâm trạng “hãy sống để ước vọng, để thấy đời bao dung…”
Có mặt tại buổi biểu diễn văn nghệ, ông Nguyễn Văn L. quê Nghệ An bị ung thư lưỡi không dấu nổi cảm xúc. Giống như tâm trạng của những bệnh nhân ở đây, đã có lúc ông sống trong sợ hãi và tuyệt vọng vì căn bệnh đến quá nhanh.
Lúc đầu chỉ là những vết loét ở gầm lưỡi ông còn tưởng nhiệt miệng nhưng càng ngày vết loét càng rộng, đen, có dấu hiệu hoại tử, ông mới ra bệnh viện khám và bác sĩ chẩn đoán ung thư lưỡi.
Bác sĩ đã cắt bỏ 1 phần lưỡi và ông đang chiến đấu với bệnh tật. Sau gần 7 tháng nằm viện, trải qua các đợt truyền hoá chất, ông L. đã có đủ thời gian để trấn tĩnh lại tinh thần của mình. Đến giờ, ông có thể cảm nhận được mình đã qua giai đoạn sợ hãi căn bệnh ung thư.
Không để ai chết trong đau đớn
Thạc sĩ, bác sĩ Lại Phú Thái Sơn – Khoa Chống đau bệnh viện K trung ương - xúc động khi thấy những bệnh nhân của mình đã cười nhiều hơn, chăm chú nghe những lời chia sẻ từ những bệnh nhân bị ung thư.
Thạc sĩ Sơn cho biết, hiện nay phương châm của khoa Chống đau là: Sẽ giúp bệnh nhân bị ung thư không còn đau đớn dù ở giai đoạn cận tử. Thạc sĩ Sơn cùng các bác sĩ, nhân viên y tế của khoa Chống đau luôn đau đáu ước nguyện và tâm huyết với mục tiêu đó.
Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc giảm đau trong ung thư ở nước ta còn rất hạn chế. Nếu ở nước ngoài bệnh nhân được chăm sóc từ tinh thần đến bệnh tật thì ở nước ta vấn đề này còn hạn chế. Công tác chăm sóc tinh thần cho người bệnh các bác sĩ vẫn còn phải đảm nhiệm, không có nhân viên tâm lý.
Cả nước Việt Nam chỉ có 4 khoa giảm đau cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Trong khi đó, mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư mắc mới và 70% bệnh nhân ung thư đến viện ở giai đoạn muộn nên việc chăm sóc giảm đau rất quan trọng.