Sỏi túi mật "hóa thạch" trong người bệnh nhân, chuyên gia chỉ rõ điều chỉnh ngay chế độ ăn đề phòng bệnh
Kiểm soát ăn uống chống thừa cân béo phì, tránh ăn chế độ ăn giàu calo, thực hiện ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ... là một trong những cách phòng sỏi túi mật hiệu quả.
Vừa qua, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân sỏi túi mật bị biến chứng nặng, rất phức tạp.
Bệnh nhân là ông L.N.H (47 tuổi, ngụ TP HCM). Trước khi nhập viện 1 ngày, ông bị đau bụng dữ dội kèm nôn ói nhiều nên được người nhà đưa đi khám.
Sỏi mật khổng lồ được cắt ra từ bệnh nhân (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Qua thăm khám các bác sĩ ghi nhận túi mật bị viêm cấp do sỏi túi mật, nghi có biến chứng dò, thủng. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT, kết quả phát hiện túi mật bị viêm cấp do sỏi, đồng thời lòng túi mật bị dò, thủng vào dạ dày và 1 viên sỏi kích thước khoảng 3 cm gây tắc phần dưới dạ dày.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ túi mật của ông H. Ngoài việc phẫu thuật cắt bỏ túi mật viêm do sỏi, các bác sĩ còn tiến hành phẫu thuật giải quyết biến chứng do sỏi túi mật gây ra như dò thủng vào dạ dày, tắc dạ dày, lập lại lưu thông dạ dày cho người bệnh.
Sau khi ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân không còn ói hay đau bụng và tiếp tục được theo dõi.
Các bác sĩ khuyến cáo, phòng bệnh sỏi mật hiệu quả nhất là thực hiện khám định kỳ để kịp phát hiện và điều trị nguyên nhân gây sỏi mật. Ngoài ra, cần kiểm soát ăn uống chống thừa cân béo phì, tránh ăn chế độ ăn giàu calo, thực hiện ăn chín uống sôi để tránh nhiễm giun và tẩy giun định kỳ.
Cần làm gì để hạn chế hình thành sỏi túi mật?
Các nghiên cứu cho thấy, những người tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh thì nguy cơ mắc bệnh sỏi mật sẽ thấp hơn. Do đó, cần điều chỉnh chế độ ăn để có thể giúp túi mật khỏe mạnh, đặc biệt là đối với những người đã từng bị sỏi mật hoặc các vấn đề về túi mật khác.
Ảnh minh họa
Chế độ ăn lành mạnh cho người bị sỏi mật: Ăn nhiều trái cây và rau tươi, nước ép trái cây, sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, gia vị và các loại đậu.
Chế độ ăn cần hạn chế với người bệnh sỏi túi mật bao gồm:
- Các loại nội tạng động vật, lòng đỏ trứng hoặc thịt đỏ… là những thực phẩm dễ gây khó tiêu, chứa nhiều cholesterol, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan mật và có thể gây tăng kích thước sỏi.
- Một số đồ uống như bia, rượu, trà hoặc cà phê cũng nên tránh với người bị sỏi mật. Vì nhóm thực phẩm này gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng gan, làm cho gan của bạn dễ bị u xơ và nhiễm mỡ, từ đó dẫn đến suy yếu khả năng tiết mật của gan.
- Ngoài ra, bệnh nhân sỏi túi mật cũng nên hạn chế các thức ăn nhanh hay đồ chiên xào quá nhiều dầu mỡ. Bởi những người bệnh này thường hay gặp các biểu hiện như chậm tiêu, đau tức hạ sườn phải, buồn nôn hoặc đầy trướng bụng khi ăn quá nhiều chất béo. Do đó, đây cũng là nhóm thực phẩm nên tránh khi bị sỏi túi mật.
- Bên cạnh có một chế độ ăn hợp lý thì bệnh nhân cũng nên dành thời gian luyện tập thể thao để xây dựng cho mình thói quen sống khỏe mỗi ngày.
Một nhóm nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, uống trà xanh có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của sỏi thận.
Nguồn: [Link nguồn]