Sởi ở TP.HCM tăng cao: Mức độ lây lan của sởi dữ dội hơn COVID-19

Sự kiện: Dịch sởi
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Sởi ở TP.HCM đã tăng cao, mức độ lây lan dữ dội, cần phòng ngừa bằng cách bao phủ vaccine.

Chiều 12-8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức họp trực tiếp và trực tuyến với các cơ sở y tế trực thuộc về tình hình phòng chống dịch sởi ở TP.HCM.

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết số ca sởi vẫn tăng trên toàn cầu.

Tại TP.HCM, đầu năm 2024 không ghi nhận ca sởi dương tính nào. Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 23-5 đến ngày 11-8, các bệnh viện trên địa bàn TP ghi nhận có 597 ca sốt phát ban nghi sởi.

Các ca này hầu hết được làm xét nghiệm, phát hiện 346 ca dương tính. Trong đó TP.HCM có 153 ca (chiếm 50%), còn lại là ca tại các tỉnh đến khám và điều trị. 153 ca sởi này rải rác ở 57 phường/xã, 16 quận/huyện của toàn TP, trong đó có 9 quận huyện có từ 2 ca bệnh trở lên (đủ điều kiện công bố dịch).

Đáng nói, từ năm 2021-2023 chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi ở TP.HCM.

Sở Y tế tổ chức họp với các cơ sở y tế trực thuộc về tình hình phòng chống dịch sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sở Y tế tổ chức họp với các cơ sở y tế trực thuộc về tình hình phòng chống dịch sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thống kê cho thấy trong 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dương tính với sởi đủ điều kiện tiêm vaccine mũi 1, có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Chia sẻ tình hình tiêm chủng tại các quận/huyện trên địa bàn TP, bà Nga cho biết tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2020-2022 đạt trên 95% ở quy mô toàn TP; trẻ sinh năm 2023 đạt 89,2% trên quy mô toàn TP và chưa có quận/huyện nào đạt trên 95%, quận có tỉ lệ thấp dưới 85% là quận 12.

Tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019-2022 đều chưa đạt 95% trên quy mô TP. Các quận huyện có 4 năm liên tiếp không đạt tỉ lệ 95% gồm các quận 5, 8, 11, 12, Tân Phú; các huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức.

“Nếu tỉ lệ tiêm chủng sởi ở TP.HCM không đạt độ bao phủ 95% thì khó có thể thể bảo vệ được trẻ khỏi bệnh sởi” - ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC.

Bệnh nhi mắc sởi ở TP.HCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi mắc sởi ở TP.HCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sởi là bệnh lây qua đường hô hấp. Trung bình một ca sởi sẽ lây cho 12-18 người khác, trong khi một ca mắc COVID-19 chỉ lây cho 2-5 người khác.

“Có thể thấy mức độ lây lan của bệnh sởi dữ dội hơn COVID-19. Tuy nhiên sởi đã có vaccine, có một thời gian dài gần như không có ca sởi ở TP.HCM. Giai đoạn vừa rồi TP bị đứt gãy nguồn cung ứng vaccine do đại dịch và sau đại dịch, dẫn đến khoảng trống miễn dịch nên sởi ở TP.HCM tăng.

Sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi bệnh. Tuy nhiên có ca diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, ác tính” - bác sĩ Châu cho biết.

Do đó bác sĩ Châu nhấn mạnh cần tập trung kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine. Tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vaccine bù ngay cho trẻ trong độ tuổi và tiêm bổ sung cho trẻ quá độ tuổi; tiêm cho trẻ bị bệnh mãn tính không có chống chỉ định. Với bệnh ác tính không tiêm được, khi nhiễm sẽ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Bệnh sởi ở TP.HCM đang tăng cao, lây thành dịch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh sởi ở TP.HCM đang tăng cao, lây thành dịch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài ra, cần phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bảo vệ nhóm nguy cơ cao.

Ông Châu đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ chặt quy trình phòng chống bệnh truyền nhiễm, hô hấp. Khuyến cáo bệnh nhân vào bệnh viện có dấu hiệu bệnh hô hấp nên tiếp tục mang khẩu trang. Nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân cũng nên mang khẩu trang khi tiếp xúc.

“Chúng ta cần chủ động ngăn ngừa, đừng để virus sởi lây tới nhóm nguy cơ cao thì sẽ hạn chế được ca tử vong. Người chăm sóc ca bệnh, nếu được nên tiêm vaccine. Nhân viên y tế cũng tiêm vaccine để không bị bệnh và không lây cho bệnh nhân, người thân. Phụ huynh chăm sóc con bị sởi cũng nên tiêm vaccine để tự phòng bệnh” - bác sĩ Châu khuyến cáo.

Xử lý nghiêm nhóm tuyên truyền anti vaccine sởi

Trước tình hình các ca sởi tăng nhanh chóng tại TP và đã ghi nhận 3 ca tử vong, đề nghị các cơ sở, đơn vị có liên quan triển khai ngay các giải pháp để tăng cường miễn dịch cộng đồng. Nếu toàn TP đạt tỉ lệ bao phủ vaccine cần thiết thì sẽ giảm được các ca mắc bệnh sởi. Ngoài ra để giảm nguy cơ tử vong, cần bảo vệ trẻ ở nhóm nguy cơ.

Ngoài ra, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện các nhóm tuyên truyền anti vaccine sởi. Đề nghị Thanh tra Sở Y tế chủ động phát hiện các nhóm anti vaccine này, làm rõ và xử lý nghiêm việc tuyên truyền sai trong cộng đồng. Ngoài ra cần mời các chuyên gia để tuyên truyền đúng về tiêm vaccine ngừa sởi.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

Trong bối cảnh số ca sởi ở TP.HCM tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN