“Sốc phản vệ trong gây mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào”
Đó là ý kiến của Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, PGS.TS Công Quyết Thắng trước sự việc hai bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Trí Đức có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các loại thuốc.
Bệnh nhân tử vong ở bệnh viện Trí Đức
Sáng 25/12, ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức có 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê.
Theo đó, hai nạn nhân tử vong là anh H.V.T (SN 1982) ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan và chị Q.T.M.P (SN 1979) vào Bệnh viện Đa khoa Trí Đức phẫu thuật tiểu phẫu tuyến giáp.
Được biết, bệnh nhân trước khi vào bệnh viện hoàn toàn khỏe mạnh, một bệnh nhân đến viện để cắt amidan, một bệnh nhân tiểu phẫu tuyến giáp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các loại thuốc ở giai đoạn 2.
Liên quan đến vấn đề gây mê trong phẫu thuật, PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam nói: “Sốc phản vệ trong gây mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tai biến có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh (thuốc men, vắc xin…). Bác sĩ gây mê luôn phải sẵn sàng để đối phó với nó vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Theo PGS Thắng, gây mê là một công đoạn quan trọng trong các thủ thuật y tế. Các bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn, quyết định về kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh.
Trước khi bước vào phòng phẫu thuật để gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân trước mê, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Các thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm là bắt buộc. Thời gian các thăm khám và xét nghiệm trên tùy thuộc vào các môi trường khác nhau.
Chẳng hạn ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ thường duyệt mổ trong thời gian một tuần, trong thời gian này, bác sĩ có thể thăm khám cho bệnh nhân trước ngày gây mê hoặc tham gia cùng các khoa lâm sàng.
Trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ gây mê sẽ khám ngay trước khi gây mê để phẫu thuật sau đó.
“Tất cả liên quan đến chức năng sống của bệnh nhân đều phải được thăm khám, thăm dò và tìm hiểu kỹ càng. Ngay cả những điều không thể nhìn bằng mắt thường, bác sĩ gây mê cũng buộc phải nhìn thấy”, PGS Thắng cho biết.
Cũng theo PGS Thắng, một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê. Do đó, bác sĩ gây mê đặc biệt lưu ý đối với những người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như bệnh tim (van tim, mạch vành), tiểu đường, bệnh về máu, hen suyễn, bệnh phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…
Một bác sĩ gây mê khác đang là trưởng Khoa Gây mê hồi sức tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM cũng cho biết, một bệnh nhân được phẫu thuật viên chỉ định phẫu thuật gây mê phải gặp bệnh nhân trước - tức khám tiền mê để đánh giá tất cả bệnh trạng của bệnh nhân, để quyết định bệnh nhân có mổ hay không.
“Cuộc mổ nhỏ xíu đối với gây mê cũng là nặng nề, đặc biệt đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến… Nếu không đánh giá kỹ thì khi thuốc mê vào cơ thể, gan không chịu nổi, bệnh nhân sẽ tử vong ngay”, vị bác sĩ cho hay.
Chẳng hạn, bác sĩ ngoại mổ thoát vị bẹn 15 phút là xong nhưng gây mê để cho bệnh nhân ngủ là cả một vấn đề.
“Nhiều trường hợp báo chí đăng tại sao gây mê chết, người ta đổ thừa do sốc này, sốc kia nhưng thực ra là do những bệnh tiềm tàng mà bác sĩ gây mê không thấy”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Chẳng hạn: Nếu một ca mổ, phẫu thuật viên đảm bảo được nhưng trên nền bệnh nhân có quá nhiều bệnh nội khoa thì phải cân nhắc mổ làm sao để thành công cao. Lúc này vai trò bác sĩ gây mê-hồi sức là phải điều chỉnh, đề ra phương pháp gây mê, thời gian phẫu thuật hợp lý. Trong lúc mổ, họ theo dõi sát bệnh nhân từ huyết động đến sinh hiệu, giúp phẫu thuật viên không gây ra những tai biến bất thường. Ví dụ, trong mổ tim, họ cho tim ngưng hoàn toàn, nếu sơ suất một tý là bệnh nhân tử vong ngay.