Sở Y tế TP.HCM kiến nghị công bố dịch sởi

Sự kiện: Dịch sởi
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong bối cảnh số ca sởi ở TP.HCM tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi.

Tối 11-8, trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch chủ động ứng phó bệnh sởi ở TP.HCM.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh sởi ở TP.HCM rải rác từ tháng 6 đến nay.

Theo đó, số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi. Ba quận, huyện có số ca sởi cao nhất là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4-8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.

Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP.HCM, có đến 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023 cả TP chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.

Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch chủ động ứng phó bệnh sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch chủ động ứng phó bệnh sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hiện toàn TP đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh.

Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, dấu hiệu nổi trội của bệnh sởi là phát ban. Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến các vị trí khác trên cơ thể như tay, chân... Đặc biệt, trẻ sẽ sốt cao (39-40 độ C) liên tục, không hạ trong quá trình phát ban, đồng thời có những biểu hiện chảy nước mũi, miệng, ho hay viêm kết mạc.

Nếu trẻ sốt 2-3 ngày kèm phát ban toàn thân, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm siêu vi phát ban thông thường hay mắc sởi giai đoạn đầu. Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu khác như ho, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc, bác sĩ nên nghĩ ngay đến bệnh sởi. Đặc biệt lưu ý ở những trẻ chưa được tiêm ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, khuyến cáo nếu phát hiện con trẻ vừa bị sốt phát ban, phụ huynh cần hạn chế không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Tốt nhất phụ huynh nên cho con ở nhà để cách ly, theo dõi, nếu phát ban ngày càng tăng kèm theo ho, sổ mũi, cần đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán đúng bệnh.

Cha mẹ giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh môi trường, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ho, người bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay, mang khẩu trang để tránh lây lan bệnh.

Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm đủ hai mũi vaccine sởi theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng:

- Mũi 1: 9 tháng tuổi (vaccine sởi).

- Mũi 2: 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella).

TP.HCM ghi nhận ba trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi và cả ba bệnh nhân đều mắc những bệnh lý mạn tính dẫn đến biến chứng nặng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN