Số phận trớ trêu của chị "Diêu Bông"

Căn phòng làm dịch vụ tẩm quất màu trắng muốt như không có một sự khuyết thiếu nào. Một người phụ nữ khiếm thị đang ngồi trên chiếc ghế giữa phòng nghe những ca khúc tình yêu. Chị là Châu Thị Bông ở huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh. Người ta hay gọi chị là Diêu Bông bởi số phận của chị cũng trớ trêu, u tối như cô Diêu Bông trong lời à ơi nào đó.

Chị hiện là Chủ tịch Hội người mù huyện Vân Đồn, khác cô Diêu Bông nọ, chị không mặc kệ sống phận, là một Chủ tịch hội người mù biết nghe hội viên nói bằng trái tim, một Chủ tịch hội lèo lái số phận của nhiều người khiếm thị như mình

Năm 14 tuổi, khi đi tìm sắt vụn, chị Bông đã vô tình làm một kíp mìn mở và nó bị nổ. Kíp mìn nổ lấy đi đôi mắt của chị Bông, làm toàn thân chị bị bỏng nặng. Gia đình đưa chị chạy chữa ở nhiều nơi, da trên người thì lấy chỗ nọ vá chỗ kia nhưng đôi mắt thì phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn.

Quả mìn ấy đã phá hỏng cuộc đời chị Bông khi còn rất trẻ, thế nhưng bỏ lại quá khứ ấy chị đã vươn lên. Chị dang vòng tay cứu giúp nhiều con người đồng tật.

“Tôi đã khóc, đã oán than số phận và đã nhiều lần tìm đến cái chết” chị Bông hồi tưởng về tai họa của cuộc đời mình bằng những cái nhíu mày đau khổ. Dù đã chia sẻ tâm sự với nhiều người về những ngày tháng tăm tối ấy nhưng mỗi lần kể lại tim chị vẫn đau, đầu óc chị vẫn điên đảo.

Số phận trớ trêu của chị "Diêu Bông" - 1

Chị là Châu Thị Bông ở huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh

Ngày đó nhìn thấy chị máu me đầy người, máu từ mắt chảy ra dòng dòng, mẹ chị chỉ biết khóc thương con gái. Số phận đã quá cay nghiệt với chị Bông. Khi chị còn lành lặn, trong nhà chị, chị là một cô bé xinh đẹp và nhanh nhẹn nhất. Nhưng tai họa ập đến đã hủy hoại mọi thứ.

Thời gian đầu khi đôi mắt bị hủy hoại, không chỉ đôi mắt chị chìm trong bóng tối mà tâm hồn chị cũng chìm trong bóng tối. Chị không còn là cô Bông hồn nhiên, lạc quan, yêu đời. Chị chỉ nghĩ đến cái chết: “Tôi đã tìm đến cái chết không chỉ một lần mà rất nhiều lần bằng thuốc chuột.

Tôi nhuốt thuốc chuột để đi gặp diêm vương nhưng mẹ phát hiện lại đưa tôi đi cấp cứu, bắt tôi phải sống. Thấy tình yêu của mẹ, nghĩ về những số phận khổ như mình mà vẫn cố sống cho được, tôi bắt đầu suy nghĩ… Tôi dò dẫm đi tìm cách sống có ích”, chị Bông tâm sự.

Nhưng vì thương người mẹ già cả đời tần tảo nuôi con, chị đã vượt lên để sống. Hơn 2 năm sau tai nạn làm cuộc đời chị trở nên đen tối, chị nghe đến một điều sáng sủa: Người mù cũng có thể làm ra tiền bằng việc cạo phoi tre.

“Khi nghe thấy điều ấy, tôi mới giật mình. Tôi còn có thể sống có ích… Tôi có thể kiếm tiền” -  chị Bông nói những suy nghĩ ngây ngô của mình khi ấy. Chị quyết tâm dò dẫm đi học, mỗi lần có được một khoản tiền tự kiếm chị nhờ mẹ mua vàng tích trữ.

Đến khi tích được một cây vàng chị nghĩ đến việc đi học tẩm quất do Hội người mù Quảng Ninh dạy và mở cơ sở riêng của mình.

Cũng trong thời gian này chị có một người bạn tên là Sơn. Sơn học trường Nguyễn Đình Chiểu, biết nhiều hơn về hoàn cảnh và nghị lực của những người khuyết tật như chị. Sơn dạy chị Bông học chữ nổi, nói cho chị Bông biết rằng có nhiều người đồng tật mà khốn khổ hơn chị nhiều.

Cái chết không phải là lối thoát, người mù vẫn có thể kiếm tiền, sống tốt, mở tổ chức hội để sinh hoạt với nhau và tiện cho việc hòa nhập cộng đồng.

Việc thành lập cơ sở tẩm quất thuận lợi hơn khi chị Bông có mẹ giúp. Căn nhà với phần đất rộng rãi của mẹ, mẹ giúp chị dựng lên căn nhà, lấy tiền chị tích góp mua đồ đạc… Cơ sở tẩm quất Diêu Bông, ở xã Đông Xá huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh giờ đã có những tiếng tăm riêng.

Chị Bông nhận thêm nhiều người cùng tật vào làm, tạo cho họ thu nhập, là nhịp cầu để họ đến bên nhau, yêu thương và lập gia đình. Khi cơ sở của mình hoạt động yên ổn, chị nghĩ đến những việc lớn hơn.

Ở Vân Đồn còn rất nhiều những người khiếm thị còn sống trong tăm tối, họ mang nỗi tuyệt vọng khi xưa của chị, sống co cụm và chịu tủi hờn một mình. Chị Bông đã đi gõ cửa từng gia đình của người khiếm thị, thuyết phục họ tham dự tổ chức hội, khuyên họ đi học nghề…

Đến năm 2010 Vân Đồn chưa có Hội người mù, chị Bông đứng ra xin thành lập Hội, trong khóa đầu chị được bầu làm chủ tịch Hội.

Sống bằng trái tim

Không thể chạm vào nhau bằng ánh mắt, họ chạm với nhau bằng trái tim. Những người khiếm thị đang làm việc ở Cơ sở tẩm quất Diêu Bông đang chạm vào nhau như thế.

Đã có 3 cặp đôi khiếm thị lấy nhau và giúp nhau nhận ra giá trị của mình. Mỗi tháng lao động ở đó, 1 cặp vợ chồng kiếm được từ 3 triệu đến 6 triệu để trang trải cuộc sống. Họ và những người khiếm thị khác có chung một số phận với nhiều bất hạnh, người bị mù khi tuổi đôi mươi, người thì khi sinh ra đã thế!

Thế nhưng tôi thấy điểm chung giữa họ là đã biết nhìn lên phía trước, bấu víu nhau mà sống. Và khi những bàn tay biết đan vào nhau thật chặt thì hạnh phúc cũng mỉm cười với họ.

Một trong những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ cơ sở tẩm quất Diêu Bông chính là vợ chồng anh Chìu A Tài và chị Lê Thị Thúy. Chìu A Tài sinh năm 1980, là thanh niên người Dao quê ở huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Từ khi sinh ra, cuộc sống của anh gắn với làng bản, ruộng nương và một cuộc sống bình thường… Anh Tài kể: Tôi đi đâu cũng được, thoắt cái vào rừng kiếm củi, thoắt cái lên rừng xem ngô, chăn trâu, chăn bò, đi xe máy… việc gì tôi cũng biết.

Năm 18 tuổi anh lấy vợ, một cô gái  có mái tóc dài và đẹp nhất nhì ở bản. Người vợ đó sinh cho Tài 3 đứa con. Hai vợ chồng đang quần quật làm lụng để có tiền nuôi con thì Tài thấy mắt có nhiều dấu hiệu khác thường..

Một ngày đầu tiên mắt Chìu A Tài mỏi mệt, vài ngày sau mắt tối dần, ban đầu tối vài phút và sau đó tối hàng tiếng đồng hồ. Nhà đông con, làm lụng vất vả để nuôi con hết anh Tài không được đi chữa bệnh, đến khi hai con mắt rơi vào tình trạng trầm trọng thì Tài mới đi khám. Năm 21 tuổi Tài đến viện, bác sĩ nói: “Dây thần kinh khô hết rồi, mắt đã hỏng”.

Khi ấy anh Tài buồn như nhận được tin ngày mai mình chết. Một ý nghĩ đơn giản xuất hiện trong đầu anh: Tôi sẽ không đi đâu được nữa. Tôi sẽ làm gì để có cái ăn… ở trên nhà tôi chỉ muốn chết thôi.

Một thời gian ngắn sau người vợ sinh đẹp của Tài bỏ đi. “Chỉ 2 năm sau cô ấy lấy chồng nữa, tôi phải nuôi 3 người con và sống nhờ bố mẹ trong đói nghèo và bóng tối”.

Thế rồi theo thời gian có người biết đến Tài, người ta đến vùng heo hút vận động anh đi học tẩm quất. “Học tẩm quất có thể nuôi mình, học tẩm quất được làm việc thì sẽ thấy đời có ý nghĩa hơn… được động viên như thế, tôi khăn gói ra Vân Đồn học nghề năm 2007. Tìm ra cách sống, tức là chấm dứt những ngày “chỉ muốn chết thôi” và mở ra những ngày với với một người bạn đời mới.

Chị Lê Thị Thúy sinh 1986 cũng là người phụ nữ bất hạnh. Khi sinh ra tôi đã bị mù, màu của bầu trời không biết, khuôn mặt của từng người không biết… Ăn ngủ đi đứng phải nhờ mẹ giúp cho.

Chị Thúy tâm sự rất thật: Nhà mình có hai chị em gái, mình khuyết tật và em lành. May mắn mẹ thương yêu mình thực sự, mẹ luôn bảo: Con sinh ra thế rồi, con phải cố lên.

Chị Thúy bảo đã có lúc phải khóc ròng, làm người mà bao nhiêu tủi thân, chán nản. Thế nhưng thật may sau đó chị đi học tẩm quất, gặp bao nhiêu mảnh đời như mình. Bao nhiêu những con người mà cuộc đời họ cũng sinh ra bóng tối hoặc bị tước đoạt ánh sáng từ khi còn trẻ tuổi bởi những đen đủi của số phận… Chị dần lạc quan lên.

Khi chị và anh đi làm chung ở một cơ sở tẩm quất thì họ quấn vào nhau. Cả hai cùng bị mù nên gia đình hai bên phản đối quyết liệt. “Cùng mù lấy nhau thì lấy ai chăm con, cùng mù thì chăm sóc cho nhau sao được”… Lô gic của số phận là như thế! Tủi thân đè lên cả hạnh phúc riêng tư. Khuôn mặt của chị Thúy lúc ấy rất buồn, nó như bao chứa sức tuyệt vọng to lớn của một thế lực siêu nhiên nào đó.

Cuộc đời cho họ gặp nhau như thế, thế rồi dễ ai cưỡng lại được số phận. Họ tìm cách có con với nhau, khiến gia đình hai bên ngỡ ngàng rồi phải cưới.
Chị Thúy thật thà như đếm nói: Tích lũy của hai người chỉ là thời gian ở bên cạnh nhau. Chúng tôi có con với nhau nên gia đình mới cho cưới.

Không có một lời nói hoa mỹ nào giữa họ. Họ đối xử và yêu thương nhau bằng sự thẳng thắn. Khi con nhỏ của họ hơn 1 tuổi, ngoan ngoãn, xinh xắn thì sự yêu thương đó lại nhân lên gấp bội. Họ đan những bàn tay vào nhau như quá ngại ngùng với quá khứ nhưng lại tự hào về tương lai. Thế là dù không thể nhìn cùng một hướng, thì họ cùng có ý nghĩ chung 1 hướng.

Chị Bông năm nay 30 tuổi, nhiều năm rồi những khát khao, ao ước về công việc giúp đỡ cộng đồng chị đều hoàn thành nhưng mái ấm gia đình của chị thì dang dở. Chị nói vui với chúng tôi: Xe duyên cho nhiều người nhưng không có duyên cho mình.

Bây giờ hàng ngày chị lo quản lý cơ sở tẩm quất để công việc ngăn nắp, khi có thời gian để đến tận nhà động viên các hội viên người mù… Cuộc sống đều đặn nhưng có nhiều niềm vui. Và hạnh phúc của chị là được nhìn thấy những người quanh mình được hạnh phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Tuệ (Phunutoday)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN