Sợ đau, người đàn ông U40 lấy dây nâng khối thoát vị bẹn lên để khỏi phải mổ
Sợ mổ đau, dù khối thoát vị bẹn sa xuống to hơn nhưng anh Đ.X.V (Phú Thọ) lấy dây buộc ngang đỡ lên mà không đi khám. Đến khi tình trạng nặng, anh mới đi viện.
Bệnh nhân Đ. X.V (37 tuổi, Đoan Hùng, Phú Thọ) vào viện ngày 7/7 trong tình trạng vùng bẹn phải có khối thoát vị đẩy lên bụng được, ấn vào không đau. Qua các cận lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị bẹn phải cần phẫu thuật.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, theo dõi tại khoa Ngoại, BVĐK Hùng Vương.
Người nhà anh V chia sẻ: Bệnh nhân phát hiện khối thoát vị đã lâu, nhưng ban đầu nhỏ và thỉnh thoảng mới sa xuống dưới nên không đi khám ở bệnh viện.
Gần đây khối sa xuống to hơn nhưng anh V đã lấy dây buộc ngang đỡ lên mà không đi khám vì sợ phải mổ đau. Tình trạng ngày càng nặng, gia đình đã thuyết phục bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám. Sau khi được các bác sỹ giải thích các nguy cơ có thể xảy ra nếu để lâu và tư vấn mổ nội soi, anh V đồng ý phẫu thuật.
Thoát vị bẹn là bệnh lý hay gặp ở nam giới.
Khi bị thoát vị bẹn ban đầu người bệnh cảm thấy tức vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên không gây đau. Tình trạng này thường diễn ra không liên tục. Khi người bệnh hạn chế vận động, nằm nghỉ thì không còn cảm giác tức vùng bẹn và khối bìu giảm xuống.
Chính điều này dễ gây chủ quan cho người bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng, gây đau đớn do ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng, là lúc bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
Thoát vị bẹn có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm và không ảnh hưởng gì tới việc có con. Hiện nay phương pháp điều trị thoát vị bẹn là phẫu thuật.
Sau phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Tổng số tiền bệnh nhân phải trả cho thủ thuật cắt bao quy đầu lên đến gần 20 triệu đồng.