Sơ cứu thế nào để trẻ không tử vong khi nuốt phải dị vật

Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ hóc dị vật ở trẻ đã xảy ra phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.Theo các bác sĩ, hóc dị vật là một tai nạn thương tích khá phổ biến, vì vậy các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về kỹ năng sơ cứu.

Loét thực quản vì nuốt phải pin

Mới đây, một cháu bé 2 tuổi ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba trong tình trạng quấy khóc, đau tức vùng cổ, nuốt nghẹn. Chụp phim X-quang, các bác sĩ phát hiện dị vật tròn đang nằm trong thực quản của bé. Ca mổ nội soi gắp nhẫn ra ngoài được bác sĩ thực hiện ngay.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng phải cấp cứu cho một bé gái 18 tháng tuổi vô tình nuốt viên đạn nhựa. Vài giờ sau, bé tím tái toàn thân, khó thở, cháu bé được gia đình đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.

Khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ hóc dị vật. Tuy nhiên, những ca nuốt phải pin được coi là đặc biệt nguy hiểm. Pin tiết ra hóa chất có khả năng ăn mòn cao nên dễ gây loét thực quản, nếu không được phát hiện và gắp ra sớm dị vật này có thể gây viêm, loét, áp xe thành thực quản, nhiễm trùng… ảnh hưởng đến tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn hoặc có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Cách phòng tốt nhất là tránh để trẻ nhỏ chơi với các đồ chơi nhiều chi tiết nhỏ, dễ vỡ.

Theo các bác sĩ, cha mẹ và người trông trẻ cần đặc biệt chú ý các trường hợp hóc dị vật, nhất là hóc pin hoặc xương, cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu trẻ có biểu hiện ho sặc sụa ngay sau khi ăn thì cần phải nghĩ tới dị vật đường thở. Khi trẻ bị dị vật đường thở cần phải xử trí ban đầu nhưng nếu trẻ ho được, khóc to, tỉnh táo nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Nếu trẻ khó thở, tím tái, không khóc được cần làm thủ thuật để tống dị vật ra ngoài.

Sơ cứu thế nào để trẻ không tử vong khi nuốt phải dị vật - 1

Các phương pháp cấp cứu khi trẻ nhỏ bị sặc dị vật vào đường thở. Ảnh: TL

Thế nào là sơ cứu đúng cách?

Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai), thông thường khi thấy con hóc, việc người lớn hay làm đầu tiên là đưa tay vào cổ họng trẻ móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật. Điều này vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.

“Trong trường hợp trẻ bị hóc, sặc dị vật, sau khi xử lý ban đầu nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, có thể phải mở khí quản cấp cứu để làm thông thoáng đường thở, nội soi phế quản để lấy dị vật, và điều trị các biến chứng khác do sặc như xẹp phổi, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi...”, BS Lương Quốc Chính khuyến cáo.

BS Lương Quốc Chính cho biết, kỹ thuật sơ cứu cho trẻ dưới 2 tháng tuổi cần làm các thao tác sau:

- Vỗ lưng (H1): Đặt một tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu. Tay còn lại đặt dọc phía trước, nắm chắc lấy hàm. Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp. Thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa hai vai trẻ.

- Đẩy ngực (H2): Đặt một tay dọc, ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay, nhẹ nhàng lật ngửa trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ. Hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp. Dùng 2-3 ngón tay đặt lên trung tâm ngực trẻ, đẩy ngực vào trong và lên trên ngực trẻ lõm xuống 3.8cm.

- Cấp cứu hồi sinh tim phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn/ngừng thở (H3): Trùm miệng bạn lên miệng và mũi trẻ. Thổi ngạt nhẹ nhàng 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 giây, tạm dừng giữa 2 lần thổi để khí thoát ra.

- Ép ngực 30 lần (H4): Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2-3 ngón tay ấn xuống trung tâm thành ngực sao cho lún 3.8cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép ngực.

Kĩ thuật sơ cứu cho trẻ nhỏ tập đi, trẻ trên 1 tuổi:

- Vỗ lưng (H5): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa hai vai.

- Đẩy bụng (Heimlich - H6): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, hai tay ôm quanh eo trẻ, nắm một bàn tay và đặt lên bụng (vùng thượng vị), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.

- Kĩ thuật hồi sinh tim, phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn (H7): Thổi ngạt 2 lần: Bóp chặt mũi trẻ, miệng trùm lên miệng trẻ, nhẹ nhàng thổi ngạt 2 lần. Sau đó ép ngực 30 lần: Gót một bàn tay đặt trên xương ức trẻ, gót bàn tay kia đặt lên bàn tay trên xương ức, các ngón của bàn tay đan với nhau. Ép ngực mạnh và nhanh thành ngực lún 5cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên liên tục 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép ngực càng lâu càng tốt cho đến khi trẻ tự thở lại.

“Để tiến hành sơ cứu thành công, cần phải phát hiện đúng loại tắc nghẽn và đánh giá được các tình huống để áp dụng các kĩ thuật phù hợp. Phần lớn những ca tử vong do suy hô hấp đường thở là do không sơ cứu kịp thời, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tim đã ngừng đập”, BS Lương Quốc Chính cho biết.

Suýt mất mạng vì “mẹo” nuốt cơm cháy để chữa hóc

BS Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) cho biết, triệu chứng mắc nghẹn chỉ cảm giác tức trong họng và nuốt vướng. Cách xử trí nuốt nghẹn khá đơn giản như: Vỗ lưng, uống thêm nước để đẩy xuống dạ dày, nếu không được thì đến bệnh viện có máy nội soi gắp ra hoặc đẩy xuống dạ dày. Bên cạnh nuốt nghẹn, nhiều người lớn còn bị hóc dị vật thực quản do mắc xương cá, răng giả… với triệu chứng đau vùng cổ, nuốt cảm giác vướng và đau. Đối với tình huống này, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế để được soi gắp dị vật. Nếu người bệnh tự ý xử trí như nuốt cơm hoặc thức ăn để đẩy dị vật xuống dạ dày, vô tình làm cho dị vật cắm sâu vào thành thực quản và gây thủng thực quản, gây áp xe trung thất, nguy cơ tử vong rất cao.

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Chiến (41 tuổi) hóc xương cá rô phi, bèn làm theo “mẹo” là: Nuốt cơm cháy để đẩy xương cá xuống dạ dày. Tuy nhiên, nuốt cơm xong, bệnh nhân càng đau và sưng vùng cổ nhiều hơn, sốt cao, nhiễm trùng. Qua thăm khám, chụp CT scan, bác sĩ phát hiện áp xe, tụ mủ trong trung thất nhiều và chỉ định mổ cấp cứu. Bác sĩ mở đường cổ giải phóng mủ; mở ngực phải, mở màng phổi trung thất giải phóng ổ mủ trong trung thất và màng tim; mở đường giữa bụng để mở dạ dày nuôi ăn. Sau chăm sóc hậu phẫu, tưới rửa, hồi sức, phải mất 45 ngày bệnh nhân mới hồi phục, xuất viện.

T.Sương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Nam (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN