Sơ cứu sai cách, vô tình hại trẻ

Không chỉ ở ao hồ mới tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gần đây có nhiều trường hợp đau lòng khi trẻ bị đuối nước ngay tại nhà vì ngã vào chậu, xô nước… cha mẹ để sẵn. Điều đáng nói, vì sơ cứu sai cách của người lớn mà đã có những trẻ phải tử vong.

Sơ cứu sai cách, vô tình hại trẻ - 1

Hô hấp nhân tạo tốt nhất để tiếp thêm oxy lên não khi trẻ bị đuối nước. Ảnh minh họa

Tử vong vì ngã vào xô nước

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM mới đây tiếp nhận trường hợp trẻ 17 tháng tuổi được gia đình đưa vào cấp cứu do bị đuối nước. Trước đó, trẻ nghịch chậu nước trong nhà và không may bị ngã cắm đầu vào xô nước. Khi người nhà phát hiện, thấy trẻ tím tái nên lập tức đưa bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, gia đình quên làm các biện pháp sơ cứu ban đầu. Khi vào tới viện, bệnh nhân đã ngừng tim, dù các bác sỹ cố gắng cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.

Trước đó, một bé gái khoảng 13 tháng cũng nhập viện trong trạng thái hôn mê, phù não vì ngạt nước. Theo người nhà, bé mới bập bẹ biết đi, chạy chơi và chúi đầu vào xô chỉ chứa hơn 20cm nước. Khi nhập viện, bé đã trong tình trạng trụy mạch, ngưng tim phổi, đồng tử giãn. Dù được hồi sức tích cực, bé vẫn không qua khỏi và tử vong sau đó hai ngày.

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận và xử trí cho nhiều trường hợp trẻ bị ngạt nước. Đặc biệt, nhiều trẻ bị đuối nước ngay trong nhà. Đa phần trẻ được phát hiện muộn và sơ cứu không đúng phương pháp nên dẫn đến tỉ lệ tử vong và tàn phế do di chứng não rất cao.

Với trẻ nhỏ mới chập chững biết đi càng nguy hiểm hơn. Trẻ có thể ngã chúi đầu vào những dụng cụ chứa nước như thùng, xô, chậu… mà không thể tự động đứng lên hay thoát ra được, cũng như trọng lượng trẻ chưa đủ nặng để làm đổ dụng cụ chứa nước. Do đó, các gia đình nên đậy kín các vật chứa nước, xả hết nước trong bồn tắm khi không sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ có thể ngạt nước tại nhà do ngã vào xô, chậu nước, bồn cầu… hoặc do trẻ bị ngã xuống ao, hồ, sông ngòi khi mải chơi, chạy trên bờ. Tai nạn này thường gia tăng trong mùa hè.

Đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ dẫn tới thiếu ôxy máu, tử vong. Nhiều trường hợp để lại di chứng về sau, ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói, trí thông minh của trẻ.

4 phút vàng sơ cứu

Theo BS Đinh Tấn Phương (BV Nhi Đồng 1), khi bị đuối nước, khả năng tử vong ở trẻ rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương thần kinh nặng nề. Tuy nhiên, nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống. Vì vậy, việc sơ cấp cứu ban đầu đúng cách là điều rất quan trọng, phụ huynh cần bình tĩnh để thực hiện.

Thời gian vàng để cấp cứu trẻ bị ngạt thở chỉ có 4 phút. Trong thời gian này, gia đình phải tích cực nhồi tim, hà hơi thổi ngạt để tăng lượng ôxy lên não. Sau 4 phút, bé sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Sau 10 phút thì bé chết não, dù có cứu được cũng có nhiều khả năng trẻ phải sống đời sống thực vật do di chứng ở não.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, khi trẻ bị đuối nước cần xử lý nhanh chóng ban đầu các bước:

- Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí và giữ ấm.

- Bước 2: Người sơ cứu lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở. Lúc này, nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến, người cấp cứu thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo, khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.

- Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2, tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

Mọi người lưu ý khi thổi ngạt với trẻ nhỏ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ. Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

- Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước, nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.

- Bước 5: Nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. Trong quá trình vận chuyển, phải tiếp tục các biện pháp sơ cứu (nếu cần) và đảm bảo sưởi ấm hoặc ủ ấm cho nạn nhân.

Các chuyên gia khuyến cáo, những sai lầm trong cách sơ cứu cũng khiến trẻ bỏ qua cơ hội sống. Các gia đình tuyệt đối không làm các biện pháp sơ cứu dân gian như lăn lu đốt lửa, chổng ngược bé lên sốc nước hay vác lên vai chạy sốc cho bé ói ra. Vì ngạt nước là trạng thái ngưng tim, ngưng thở, sơ cứu quan trọng nhất là làm cách nào để đưa máu lên não, phục hồi hệ thống tuần hoàn kéo dài thời gian cho bệnh nhi.

Việc dốc ngược người bị đuối nước lên chạy vài vòng với mục đích đẩy nước ra ngoài không có tác dụng. Thông thường, lượng nước vào phổi rất ít chứ không nhiều như mọi người nghĩ. Lượng nước này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Điều này còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít nước vào phổi, thậm chí còn có thể bị các chấn thương nguy hiểm ngoài ý muốn cho nạn nhân như chấn thương cổ.

Ngoài ra, mọi người cũng không nên ấn bụng, vì có thể làm dịch trong dạ dày tràn ra ngoài, lên phổi, gây viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận (Gia Đình & Xã Hội)
Mẹo hay - dễ làm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN