Sơ cứu đột quỵ: Nhiều sai lầm cần tránh

Sự kiện: Đột quỵ

Hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khoảng 10% - 20%, gần 30% người sống sót phải chịu cảnh tàn phế

Mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần 2 triệu tế bào thần kinh. Bên cạnh việc chạy đua với thời gian để cứu người đột quỵ thì sơ cứu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi việc chần chừ, sơ cứu sai cách người bị đột quỵ sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề.

Nôn nóng cứu người, gây thêm họa

Sáng sớm, ông L.V.N (54 tuổi, ở TP HCM) bất ngờ bị tai biến, nằm trong nhà tắm. May mắn, ông được người nhà phát hiện. Tuy nhiên, trong lúc di chuyển, do nôn nóng và cũng bởi sàn nhà trơn láng nên cả người nhà và người bệnh đều trượt té. Vào tới bệnh viện (BV), sau khi các bác sĩ chụp CT kiểm tra khẩn cấp thì phát hiện ông vừa bị nhồi máu não kèm theo chấn thương sọ não. "Có thể bệnh nhân chỉ là mới biểu hiện tai biến nhẹ nhưng do sự nôn nóng, không cẩn trọng của người nhà trong lúc sơ cứu đã làm bệnh nặng thêm sau cú ngã" - một bác sĩ nhận định.

Theo các bác sĩ, khi có người đột quỵ, phần lớn người thân rất lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là việc di chuyển bệnh nhân. Có những trường hợp xử trí, di chuyển không đúng cách khiến các tổn thương nặng nề, việc xử trí sau đó của các bác sĩ khó khăn hơn.

Một ca đột quỵ vừa được Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu kịp mới đây

Một ca đột quỵ vừa được Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cứu kịp mới đây

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam kiêm Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết trước đây, cứ 6 người bình thường trên thế giới sẽ có 1 người bị đột quỵ. Tuy nhiên hiện nay, cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ, tuổi thường gặp là 50-60. Đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 10%. Do đó, từ trên 50 tuổi, người dân cần tầm soát sức khỏe thường xuyên hằng năm để phát hiện, phòng ngừa sớm đột quỵ.

Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất (TP HCM), do chuyên cấp cứu, điều trị bệnh cho người cao tuổi, đặc biệt về tim mạch, BV thường tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân tai biến, đột quỵ. Đột quỵ gây nên hệ lụy rất lớn cho sức khỏe bản thân người bệnh, là gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không được điều trị sớm, đúng cách.

TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - BV Đại học Y Dược (TP HCM), cho biết đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng", hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong khoảng 10% - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất cần lưu ý là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống. Theo các bác sĩ ở BV Chợ Rẫy và BV Nhân dân 115 TP HCM, tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ vẫn còn rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, ở xa trung tâm đột quỵ.

Trân quý từng phút giây

Theo giới chuyên môn, tuy có trọng lượng nhỏ nhưng não người lại tiêu thụ ôxy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần đến 20%-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ để hạn chế tối đa những tổn thương về não.

Theo BSCK1 Phan Tuấn Trọng, Khoa Cấp cứu BV Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), "thời gian vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Giới chuyên môn cảnh báo sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới BV. Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc đông y... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị "trúng gió" và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được chứng minh hiệu quả bằng khoa học. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện để thực hiện các cách chữa trên sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.

"Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc" - TS-BS Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo. 

Những kỹ năng cứu người

Theo lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam, ngoài điều trị kịp thời, phòng ngừa đột quỵ là giải pháp quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong. Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ là người bệnh chỉ uống thuốc phòng ngừa bệnh vài tuần, vài tháng, vài năm rồi bỏ. Tuy nhiên, phải xem đây là một việc lâu dài và suốt đời, đòi hỏi cao sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và theo dõi của bác sĩ.

Sơ cấp cứu ban đầu cho người bị đột quỵ là kỹ năng cần thiết cho mọi người. Các vấn đề cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu gồm: Hồi sức tim phổi (luôn quan trọng nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim), tư thế người bệnh (đặt nằm ở tư thế thoải mái nhất).

Việc vận chuyển người đột quỵ cần theo nguyên tắc: bảo đảm đường thở, tim đập; cố định để bảo vệ các bộ phận dễ tổn thương như đầu cổ, tứ chi.

Đây là những thực phẩm lành mạnh và các bài tập giúp ngăn ngừa đột quỵ

Để tránh nguy cơ đột quỵ, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là kiểm soát các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẠNH ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN