Sơ cấp cứu nạn nhân trong đám cháy thế nào?
Trong hỏa hoạn, tử vong thường là do ngạt trước khi bị cháy, chính vì thế, điều cần thiết nhất là các nạn nhân phải bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh…
Theo TS. Nguyễn Như Lâm, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, trong các vụ cháy, nạn nhân rất dễ bị ngộ độc bởi khói độc tạo ra trong đám cháy. Khi luồng khói sộc thẳng vào mặt có thể khiến nạn nhân ngất xỉu ngay tại chỗ. Nạn nhân của các vụ cháy cũng có nguy cơ bỏng đường hô hấp rất cao. Bởi trong các vụ cháy, nhiệt độ lên quá cao khi hít phải khí nóng sẽ gây tổn thương niêm mạc, đường thở từ mũi, miệng đến phổi.
Trường hợp bị bỏng chân, tay... cần xối nước vào vết bỏng trong 15-20 phút để giảm đau rát và độ sâu của vết thương.
Nạn nhân bị thương sau khi sơ cứu tại chỗ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Tình trạng bỏng hô hấp sẽ khiến người bệnh nhanh chóng bị phù nề. Trong đám cháy, lượng ôxy đang thiếu lại càng trở nên thiếu hơn do người bệnh khó thở. Quá trình này kéo dài sẽ khiến người bệnh ngộ độc do thiếu ôxy, ngất xỉu. Theo TS. Lâm, bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân bị bít tắc đường thở do đờm dãi, do niêm mạc hoại tử và bong ra rơi vào đường thở dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị viêm phổi, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tỷ lệ tử vong 80%.
BS. Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bỏng - BVĐK Xanh Pôn cho biết, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm giảm lượng khói hít vào thấp nhất có thể. Không sử dụng thang máy, nên thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ.
Cấp cứu nạn nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza.
Về nguyên tắc sơ cứu nạn nhân ngạt khói, cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản để hạn chế di chứng.
“Với tất cả những trường hợp bỏng hô hấp cần được xử trí kịp thời, trước tiên là tách bệnh nhân ra khỏi môi trường nhiệt nóng của đám cháy. Hãy đưa bệnh nhân ra nơi thoáng ký, thở ôxy ngay để thải khí CO và cyanide ra khỏi cơ thể. Tại BV, bác sĩ sẽ khám xem xét có cần nội soi đường thở để hút đờm dãi, chẩn đoán mức độ bỏng hô hấp để điều trị”- BS. Thống cho biết.
Còn với những nạn nhân đã thoát ra khỏi đám cháy, TS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai) khuyến cáo: Chỉ cần hít phải khói độc trong đám cháy, người dân không nên chủ quan mà phải đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh thì phải đến bệnh viện ngay.
Viêm ruột thừa là chứng rối loạn nghiêm trọng và cần được giám sát y tế. Không nên tự dùng thuốc ở nhà. Tuy nhiên...