Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng đột biến, nhiều bệnh nhân nặng
Trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận 2.000 ca mắc sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng. Trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 2.000 ca mắc.
Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8-2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ khoảng 500-600 ca/tuần, thì từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng lên 1.000 ca. Từ giữa tháng 9-2023 đến nay, số ca mắc tăng đột biến từ 2.200 đến 2.400 ca/tuần. Tuần qua là tuần ghi nhận số ca mắc kỷ lục từ đầu năm đến nay (hơn 2.400 ca/tuần).
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 24-9, toàn thành phố ghi nhận 12.776 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn). Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong tại các quận, huyện: Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.
Tính đến nay, thành phố ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613/870 ổ dịch (chiếm 70%) đã được khống chế, còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Hiện, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố Hà Nội, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Bất cứ ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, người dân không được chủ quan và tự ý điều trị khi nhiễm bệnh.
Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, biện pháp phòng, chống tập trung vào hai nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để. Nhưng, qua kiểm tra, công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Cụ thể là việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Ths.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, bệnh nhân trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền. Nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.
Sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô gái 20 tuổi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà trọ, đến khi choáng xỉu mới được đưa vào BV huyện sau đó đưa vào cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng...