Số ca mắc thủy đậu tăng 140 lần, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch
Không chỉ lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non, thủy đậu năm nay còn bùng phát ở người lớn.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua từ ngày 10/3 đến hết ngày 17/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu. Trong khi tuần trước đó, Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 548 ca thuỷ đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).
Một trường hợp mắc thủy đậu phải điều trị ở bệnh viện.
Không chỉ lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non, thủy đậu năm nay còn bùng phát ở người lớn. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tăng đột biến, trong đó có cả chùm ca bệnh người lớn sống chung trong một nhà trọ.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao gần 140 lần.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát tán và lây lan. Do đó, theo CDC Hà Nội, số ca mắc thuỷ đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Số ca mắc thủy đậu đang bùng phát mạnh tại Hà Nội, nhiều phụ nữ có thai chưa tiêm vắc-xin khá lo lắng vì căn bệnh truyền nhiễm này.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện 108 cho biết, bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.
Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.
Thời tiết này, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.
Đối với bệnh thủy đậu, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.
Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng. Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vắc-xin. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh thủy đậu phát triển và lây lan rất nhanh gây ra nhiều biến chứng viêm phổi, viêm não.