Số ca mắc sởi tăng 111 lần, 5 ca tử vong
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 ca mắc sởi dương tính và 5 ca tử vong liên quan đến sởi.
Thông tin trên được TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu tại Hội nghị về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm diễn ra ngày 28-11.
Ca sởi tăng nhanh ở nhiều địa phương
Theo TS Nguyễn Lương Tâm, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó 4.918 ca dương tính và 5 ca tử vong liên quan đến sởi (TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi tỉnh 1 ca).
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi là 387 ca, số ca sởi dương tính là 44 ca.
Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi đã cao gấp 111 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các địa phương có số ca nghi sởi và ca sởi dương tính cao nhất cả nước gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Độ tuổi nghi mắc bệnh chủ yếu từ 19 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi (chiếm 25,37%), tiếp đó là từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi (22,94%), từ 5 đến 9 tuổi (16,51%), từ 6 tháng đến 9 tháng tuổi (13,56%).
TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TRẦN MINH
Cũng tại hội nghị, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với tổng cộng 657 ca mắc sởi và phát ban nghi sởi.
Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết tình hình dịch sởi tại địa phương này đang nghiêm trọng. Trong tháng 9, địa phương có 20 ca mắc sởi, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều người chưa tiêm vaccine sởi.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 1-9 đến 19-11-2024 đã ghi nhận 195 ca mắc sởi. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày đầu tiên của tháng 11 đã ghi nhận 64 ca mắc sởi. Tỉ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%; còn với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, tỉ lệ chưa tiêm chủng chiếm khoảng 40%.
Bệnh truyền nhiễm đang diễn biến khó lường
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch sởi gia tăng, TS Nguyễn Lương Tâm cho biết đó là do tỉ lệ tiêm chủng thấp. Trong đó, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi đến trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Về tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết trong thời gian qua đã ưu tiên tiêm phòng cho các đối tượng gồm: trẻ em từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ (trong đó ưu tiên trẻ từ 1-5 tuổi) và nhân viên y tế tại cơ sở y tế (ưu tiên người chưa được tiêm đủ vaccine sởi).
Nguồn cung ứng vaccine cho kế hoạch tiêm chủng gồm nguồn viện trợ, nguồn hỗ trợ (từ doanh nghiệp, nguồn xã hội hoá) và tự mua sắm.
Cụ thể, Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu liều vaccine sởi - rubella do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ, phân bổ và đáp ứng đủ cho 30 tỉnh, thành. Đến nay, 30 tỉnh, thành này đã tiêm cho hơn 740 nghìn người, đạt 81,4%.
Khu vực | Đối tượng cần tiêm | Tổng số được tiêm | Tỉ lệ |
Miền Bắc | 202.097 | 144.327 | 71,4% |
Tây Nguyên | 70.746 | 54.634 | 77,2% |
Miền Nam (trừ TP HCM) | 639.184 | 543.692 | 85,1% |
Tổng | 912.027 | 742.653 | 81,4% |
Còn lại, các tỉnh, thành phố đã tự mua sắm trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực của địa phương.
Riêng TP.HCM đã tự mua 300.000 liều vaccine sởi - rubella từ nguồn ngân sách địa phương, không nhận phân bổ vaccine từ nguồn viện trợ. Trong đó, ước tính địa phương này đã tiêm được cho hơn 230 nghìn người, đạt 100%.
TP HCM triển khai tiêm vaccine sởi cho học sinh tại trường học. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm, dịch bệnh truyền nhiễm nói chung đang diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, bùng phát; các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện.
Cùng với đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm vaccine cho trẻ em. Tỉ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đôn đốc đơn vị tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành.
Bộ Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn về tình hình phân bổ vaccine theo nhu cầu của các tỉnh, thành phố, đảm bảo sử dụng vaccine sởi an toàn và hiệu quả.
Các địa phương tiếp tục đánh giá nguy cơ để đề phòng biện pháp phòng chống dịch phù hợp; theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, không để dịch bùng phát; cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các ca mắc sởi chuyển nặng, tử vong.
Địa phương cũng cần khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là loại bệnh lành tính và hầu hết trẻ mắc bệnh đều có thể tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách tại nhà. Tuy nhiên,...
Nguồn: [Link nguồn]