Số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta thời gian gần đây thế nào?

Sự kiện: Bệnh bạch hầu

Số ca mắc bạch hầu vài năm trở lại đây tăng rồi lại giảm, sau đó lại tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong) và Bắc Giang (1 ca).

Từ đầu năm 2024 đến nay có 5 ca mắc bạch hầu, 1 ca tử vong

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm, từ năm 2004-2019).

Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

CDC Nghệ An tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.Ảnh: Khánh Tâm- Hoàng Trinh

CDC Nghệ An tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.Ảnh: Khánh Tâm- Hoàng Trinh

Năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu có gia tăng ở nước ta, ghi nhận 226 trường hợp mắc, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Năm 2021, số ca mắc giảm còn 6 trường hợp và năm 2022 chỉ có 2 trường hợp mắc.

Năm 2023, số ca mắc tăng lên gấp nhiều lần so với năm 2022. Cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 7 trường hợp tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).

Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6/2024) tại huyện Kỳ Sơn.

Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh (tháng 7/2024) tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.

Cũng liên quan đến dịch bệnh bạch hầu, BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những năm gần đây bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới. Năm 2023, bệnh viện cũng tiếp nhận một số bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang, Điện Biên, phần lớn ca mắc nhẹ.

Ông Cấp cho biết thêm, sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính.

Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.

Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong.

Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Nguy cơ lây lan dịch bệnh bạch hầu ra cộng đồng thế nào?

Đánh giá về nguy cơ lây lan dịch bệnh bạch hầu ra cộng đồng hiện nay, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Thực ra nguy cơ lây lan ra cộng đồng là không lớn, các ca bệnh hiện nay phát hiện mang tính chất lẻ tẻ do hầu hết các đối tượng trẻ em hiện nay đều đã được tiêm phòng vaccine khi còn nhỏ. Chỉ có những trẻ chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại nhiều hiệu quả để phòng các bệnh dịch thông thường. Ở những nơi vùng sâu vùng xa, độ bao phủ tiêm chủng thấp sẽ dẫn tới lỗ hổng miễn dịch và do đó bệnh còn lưu hành và khó có thể dập tắt. Trẻ em cần phải tiêm đầy đủ, đúng lịch để có miễn dịch cộng đồng.

Không chủ quan với bệnh bạch hầu.

Không chủ quan với bệnh bạch hầu.

Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu bao gồm:

- Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

- Tiêm vaccine bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

- Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

- Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Bình ([Tên nguồn])
Bệnh bạch hầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN