Siết bệnh nhân vượt tuyến: Lệch hướng

Hạn chế bệnh nhân khám trái tuyến bằng cách đánh vào túi tiền người dân theo như nội dung dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế xây dựng là không đúng hướng và gây thiệt thòi cho người bệnh.

Quản lý bệnh viện bằng chất lượng

Theo Luật BHYT hiện hành, bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng nơi quy định (là cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo đăng ký trong thẻ), mức thanh toán là 100%, 95%, 80% tùy đối tượng. Còn khi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), người có thẻ BHYT chỉ được quỹ BHYT thanh toán mức 70% chi phí đối với bệnh viện (BV) hạng III và chưa xếp hạng; 50% đối với BV hạng II;  30% đối với BV hạng I và hạng đặc biệt.

Tăng phí, giảm quyền lợi người bệnh

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế xây dựng, mức BHYT chi trả cho người khám chữa bệnh trái tuyến đang được đề xuất thay đổi theo hướng giảm khoảng 10% so với hiện nay. Phương án 1: Nếu điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 60%, 40% và 20% tùy theo xếp hạng BV. Nếu khám ngoại trú thì người bệnh chỉ được chi trả ở các mức 30%, 20% và 10%. Phương án 2: Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú, tỉ lệ tương ứng như phương án 1; còn khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không chi trả.

Siết bệnh nhân vượt tuyến: Lệch hướng - 1

Bệnh nhân Vũ Thị Thu bị chứng xơ cứng bì đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Ðáng chú ý, tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất mức đóng hằng tháng của đối tượng tham gia BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ bản, thay vì 4,5% như hiện nay.
 
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), Luật BHYT quy định chi trả cho bệnh nhân BHYT vượt tuyến nhằm mở rộng quyền lợi cho bệnh nhân, giải quyết việc một số cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng nhu cầu được khám chữa bệnh có chất lượng của người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng quyền lợi này đang kéo theo hệ lụy bệnh nhân vượt tuyến quá đà, nhiều người bệnh nhẹ cũng đổ xô lên tuyến trên. Hậu quả là tuyến trên quá tải, BV kỹ thuật cao nhưng lại khám, chữa các bệnh thông thường; còn tuyến dưới không có bệnh nhân, được đầu tư trang thiết bị và tăng cường nhân lực nhưng phải "đắp chiếu". Ông Sơn cho rằng phương án hạ mức chi trả của BHYT của bệnh nhân trái tuyến là hợp lý nhằm hạn chế tình trạng lấn sân của các ca bệnh nhẹ.

Tăng phí không giảm quá tải
 
Bộ Y tế đề xuất "thắt" chi trả đối với bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến là nhằm giảm quá tải BV, hạn chế bệnh nhân "tràn" về các cơ sở điều trị tuyến cuối. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu chỉ giảm 10% thì không nên vì "mang tiếng" mà cũng không có tác dụng giảm tải. "Cần phải hiểu rằng người bệnh vượt tuyến là do chưa tin vào chất lượng điều trị ở tuyến dưới" - ông Tiên nhận định.

Siết bệnh nhân vượt tuyến: Lệch hướng - 2

Bệnh nhân chờ khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Quận 3 - TPHCM sáng 28/5. Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng phương án "tăng thu, giảm chi" của Quỹ BHYT trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng trăm dịch vụ y tế vừa được điều chỉnh giá có thể tăng áp lực cho người bệnh; nhất là bệnh nhân nghèo, cận nghèo. Ðặc biệt, việc tăng mức đóng BHYT lên quá 6% lương cơ bản là quá nhiều. "Muốn hạn chế chuyển tuyến trước hết phải đầu tư và củng cố BV tuyến dưới. Khi chất lượng điều trị ở tuyến dưới chưa đạt yêu cầu thì không nên ép người ta chữa bệnh ở tuyến dưới" - bà An nói.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng mức đóng và "thắt" quyền lợi của bệnh nhân BHYT thời điểm này là bất hợp lý. TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo phát triển cộng đồng, đặt câu hỏi: Các báo cáo gần đây cho thấy những năm qua, Quỹ BHYT liên tục kết dư hàng ngàn tỉ đồng, vậy tại sao lại tăng mức đóng BHYT? "Với mức đóng BHYT là 6% lương cơ bản không chỉ là gánh nặng cho người dân và ngân sách Nhà nước mà có thể còn kéo dài hơn lộ trình thực hiện BHYT toàn dân" - ông Tuấn lưu ý.

Nhiều bệnh nhân vượt tuyến kịp thời!

Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai), phần lớn các ca vượt tuyến là hợp lý như các bệnh lupus ban đỏ, sơ cứng bì, hen phế quản nặng. Nhiều bệnh nhân cho biết đã điều trị tuyến dưới nhiều ngày không đỡ, cực chẳng đã mới phải vượt tuyến.

Cụ thể là trường hợp bệnh nhân Vũ Thị Thu (Hà Nam) bị chứng sốt, đau nhức xương. Khi đi khám BV tuyến tỉnh thì được chẩn đoán bị suy kiệt sức khỏe, dịch ngoài màng tim. Sau một thời gian dài điều trị ở tỉnh không thuyên giảm, gia đình phải đi vay nóng 20 triệu đồng để đưa chị lên BV Bạch Mai thì được chẩn đoán bị chứng xơ cứng bì. Sau 2 tuần điều trị ở đây, bệnh của chị đã thuyên giảm.

"Rất may chị Thu đã vượt tuyến kịp thời. Bởi với bệnh xơ cứng bì nếu không được điều trị đúng bệnh, nhanh chóng thì rất dễ có biến chứng như hoại tử chi, khớp cứng không vận động được, người bệnh có thể bị viêm dạ dày, suy thận, biến chứng xơ phổi, xơ hóa cơ tim, rối loạn tim, dẫn đến suy tim gây tử vong" - bác sĩ Khánh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN