Shisha “chế” đang đầu độc giới trẻ
Shisha khi mới xuất hiện ở Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một thú vui không thể thiếu trong tất cả các bữa tiệc của dân chơi. Xuất phát là “thuốc lào Ả Rập” nhưng giờ đây shisha đã biến tướng và được “chế” thành một thứ thuốc chết người…
Shisha mới là đẳng cấp
Trong một buổi tiệc sinh nhật, trong một quán bar lộng lẫy với đủ thứ đèn màu, bố trí theo phong cách Ả Rập với tông màu đỏ huyền bí. Trai tài gái sắc lả lơi bên những chiếc đèn kỳ lạ, họ hút hít, uốn éo. Không hiểu, thứ gì trong chiếc bình thủy tinh màu hồng đẹp mắt với 1 cái vòi dài có gì hấp dẫn mà nam thanh, nữ tú say sưa đến vậy.
Được mọi người cổ vũ, một cô bạn cầm chiếc vòi nối từ chiếc bình kia hồn nhiên rít 1 hơi, ánh mắt mơ màng theo khói thuốc. Hương táo thơm ngát, khoan khoái tỏa ra, những người bạn xung quanh thi nhau hít hà làn khói.
Trong tiếng nhạc tự mix của DJ vườn, mọi người cùng chuyền tay nhau những ống hút thơm lừng vị hoa quả và lắc lư theo điệu nhạc. Bia và rượu vodka được tiếp thêm để tăng độ hưng phấn của dân chơi. Vừa hút, vừa nằm, ngồi đủ mọi tư thế, thỉnh thoảng có gã cao hứng lại hú hét lên rồi cười sặc sụa. Ngậm miệng vòi, rít thật mạnh. Nước dưới đáy bình sôi sùng sục, than cháy đỏ… Sau khi nhả khói, mùi hương táo thơm lừng tỏa quanh, miệng cũng không đắng và hôi như khi hút thuốc lá thông thường.
Tiếng nhạc đập rần rần, bia rượu được khui ra liên miên để dân chơi mỗi lúc một phiêu. Đến gần nửa đêm thì chương trình ngả sang tiết mục mới. Một vài người rủ nhau lắp pin, tức là bỏ thêm vào chiếc bình được quảng cáo là đam mê chết người kia một ít tài mà (một loại ma túy nhẹ gây ảo giác) để chơi cho “đủ nhiệt”.
Có còn là thuốc lào Ả Rập?
Sau đợt Tết Quý Tỵ, chị Hải thấy cậu con trai tên là Nam có những biểu hiện lạ. Cứ chiều tối là cậu bắt đầu ngáp, nôn nóng muốn đi ra ngoài. Có lúc cậu con trai thông minh, vốn là niềm tự hào của mẹ bỗng trở thành đãng trí, ngây dại. Cảnh giác, chị đưa Nam ra Hàng Bài thử ma túy. Dương tính. Khi bị gặng hỏi, Nam trả lời chưa bao giờ dùng ma túy cả. Cậu còn lớn tiếng: Là người hiểu biết, không ai điên mà dùng ma túy. Thế nhưng đến tối, chính cậu hốt hoảng nói với mẹ: Con biết rồi, trong shisha có ma túy.
Mẹ ơi, mẹ cứu con với. Thì ra mấy ngày Tết nghỉ học, cậu theo đám bạn đi chơi đêm và hút shisha. Cứ nghĩ nó chỉ là thảo dược đơn thuần, ai ngờ chúng bỏ cả heroin vào đó. May cậu mới bập vào, chỉ cách ly ít lâu, cơn thèm đã dứt.
Shisha là tên gọi một loại điếu hút thuốc lá tẩm hương liệu có xuất xứ từ các nước Ả rập. Hút Shisha là một phong tục tập quán rất lâu đời của những người dân vùng Trung Đông, các vương quốc Ả rập. Đến nay, shisha không chỉ được sử dụng rộng rãi ở các nước Trung Đông mà còn được ưa chuộng tại mọi nơi trên thế giới. Bởi khói nguyên chất Shisha nhẹ và không độc hại như thuốc lá, hơn nữa còn có các hương vị trái cây thơm mát như: Táo, bạc hà, dâu, nho, capuchino, ổi, dưa gang, dưa hấu... nên không chỉ các bạn nam mà các bạn nữ cũng có thể hút dễ dàng và cảm nhận vị ngon của nó. Du nhập vào Việt Nam tuy không lâu nhưng shisha rất được giới trẻ yêu thích và hiện nay trở thành trào lưu thời thượng khi không thể thiếu trong các bàn tiệc rượu tại các quán Bar, Club ở mọi nơi.
Tại Hà Nội, hầu như tất cả các tụ điểm của dân chơi đều xuất hiện loại thuốc lào Ả Rập này. Từ một vài quán bar đầu tiên như Dragon fly, Ilu… shisha đã được “nhân bản vô tính” khắp các bến bờ “cập cảng” của dân chơi. Những bữa tiệc shisha được tổ chức khắp mọi nơi, thậm chí một diễn đàn cho dân nghiền shisha đã được mở trên mạng với hàng nghìn thành viên với những buổi “Shisha party” thâu đêm suốt sáng.
Shisha “chế” đang đầu độc giới trẻ
Tuy nhiên do giá shisha khá đắt nên dần dần khách đến cũng ít dần. Để kéo khách đến, nhiều quán đã triển khai chiêu độc. Ban đầu, shisha du nhập vào Việt Nam như một loại thuốc lá nhẹ tăng thêm phần hưng phấn trong các cuộc chơi. Nhưng gần đây, họ không chỉ pha rượu mạnh vào bình để hút mà còn trộn một ít cần sa, cocain, heroin, thậm chí cả các loại ma túy tổng hợp vào shisha. Dân sành hút shisha cho biết: “Trộn mấy loại đó vào hút phê hơn, dễ “bay” hơn so với hút shisha thông thường. Hút kiểu đó mới “pro” chứ!”. Thậm chí có người còn mê shisha hơn cả đi học. Họ cho rằng chơi tài mà, ma túy bây giờ cổ lắm, phải là shisha mới thời thượng.
Biến tướng khó lường
Nhiều người lầm tưởng là khói từ shisha ít nguy hiểm hơn nhiều so với khói thuốc lá. Hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây ra cảm giác an toàn giả tạo, bớt lo lắng về tác hại thực sự đối với sức khỏe. Các bác sĩ tại nhiều bệnh viện trong đó có Phòng khám Mayo (Ả Rập) đã khẳng định việc hút shisha cũng tàn phá sức khỏe y như hút thuốc lá, và một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng xác nhận kết quả này.
Mỗi lượt hút shisha thường kéo dài hơn 40 phút, và gồm từ 50 đến 200 lần hít, mỗi lần từ 0,15 đến 0,5 lít khói. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy, trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 đến 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá. Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng cho thấy người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng gấp 5 lần người không hút. Người hút shisha cũng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút. Bây giờ có thêm khả năng gây nghiện bởi các loại gia vị ma túy thêm vào, shisha đã trở thành một thú chơi nguy hiểm. Quan trọng hơn lại thêm một trò lôi kéo lớp trẻ vào ma túy dưới những hình thức huyền hoặc, ma mị.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Việc hút, hít một loại khói nào đó với cường độ cao có thể gây hại cho người và việc đốt rượu từ thể lỏng thành thể hơi sẽ có những tác dụng không khác gì việc uống rượu như: mất kiểm soát, ức chế thần kinh, trụy tim… Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy tổng hợp trong shisha sẽ gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ.
Chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự độc hại của shisha tại Việt Nam nên nó không có trong danh mục hàng cấm và được nhập khẩu, buôn bán, sử dụng công khai. Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc nghiên cứu shisha được thực hiện rất nghiêm ngặt và chuyên sâu. Song có một điều mà nhiều cơ quan y tế trên thế giới đã khẳng định là việc hút shisha thông thường cũng gây hại cho sức khỏe không kém gì thuốc lá, nếu sử dụng cùng ma túy thì nguy hiểm hơn. Đặc biệt, đối với phái nữ khi việc hút shisha trở thành “mốt” thì hệ lụy mà nó mang tới sẽ là gì? Một hình ảnh méo mó hay bê tha, thác loạn? Và không ai dám khẳng định liệu họ có trở thành mồi ngon cho những kẻ lạm dụng hoặc sa đà vào tệ nạn?