Sẽ có 60 triệu liều vắc-xin trong năm 2021
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã đàm phán được 60 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021; Bộ sẽ cố gắng để người dân tiếp cận được vắc-xin đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, cho biết, Bộ Y tế đã có tờ trình Bộ Chính trị về vấn đề vắc-xin phòng COVID-19. Ông Long cho hay, trong năm 2021, để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cam kết cung cấp 30 triệu liều. “Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vắc-xin trong năm 2021. Bộ Y tế cũng tiếp tục đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna và một nước khác, nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc đảm bảo vắc-xin cho người dân”, ông nói.
Hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu vắc-xin thực hiện theo cơ chế khẩn cấp. Trong 5 ngày, Bộ Y tế sẽ phải thực hiện tất cả các quy trình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc-xin để cấp phép sớm. Tinh thần là giảm thiểu dịch vụ hành chính trên cơ sở khẩn cấp. “Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc-xin có thể trao đổi với Bộ Y tế về vấn đề nhập khẩu để có vắc-xin cho người dân. Bộ Chính trị đã có chỉ đạo cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có văn bản chỉ thị cụ thể, làm sao cố gắng để người dân tiếp cận được vắc-xin đầy đủ, để tái khởi động kinh tế”, ông Long nói.
Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành diễn ra sáng qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất, sắp tới khi có vắc-xin, Bộ Y tế cần có chỉ đạo tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm. “Việc này sẽ giao Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur các địa phương xây dựng giáo trình, tập huấn để khi vắc-xin tiêm cộng đồng lượng lớn phải có lực lượng sẵn sàng, không thể trông chờ vào lực lượng y tế dự phòng mỏng như hiện tại”, ông Long nói.
Sớm ban hành quy trình nhập khẩu và tiêm chủng Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu cách tiếp cận mới phòng, chống dịch phù hợp diễn biến dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu vắc-xin của nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; sớm ban hành quy trình nhập khẩu và tiêm chủng vắc-xin. Trước đó, tại cuộc họp ngày 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân lúc này trở thành vấn đề cấp bách, không thể chần chừ. Cần mua vắc-xin trong tháng 2/2021”. Văn Kiên |
Sẽ đưa 30 triệu liều về nước
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 19/2, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), cho biết, ngày 1/2 tại Hà Nội, AstraZeneca Việt Nam và Hệ thống trung tâm tiêm chủng vắc-xin VNVC ký kết hợp tác để cung cấp 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021. “Đây có thể xem là hợp tác mang tính lịch sử của Việt Nam nói chung và VNVC nói riêng. Với hợp tác này, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng một trong những loại vắc xin phòng COVID-19 an toàn, chất lượng hàng đầu thế giới, cùng thời điểm với các quốc gia tiên tiến”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, VNVC đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để có thể tiếp nhận lượng lớn vắc-xin và tiêm chủng cho hàng triệu người dân. Đó là hệ thống gần 50 trung tâm tiêm chủng, hơn 50 kho bảo quản vắc-xin đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chuyên nghiệp. “Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC sẽ sớm công bố thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin này. Giá vắc-xin dự kiến sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể sử dụng”, ông Dũng nói. Trong khi đó, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, nói rằng, công ty sẽ tiếp tục cung cấp vắc-xin một cách rộng rãi và công bằng.
Vắc-xin Việt Nam sinh miễn dịch tương đương của các nước
Sáng 19/2, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) họp thẩm định kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất. GS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y, cho biết, kết quả sau tiêm giai đoạn 1 cho thấy Nano Covax ở cả 3 hàm lượng 25mcg, 50mcg và 75mcg sinh miễn dịch rất tốt, tương đương vắc-xin của các nước. Cụ thể, khả năng trung hoà virus sau tiêm mũi 1 đạt trên 85% tùy từng nhóm và gần 100% nhóm liều sau tiêm mũi thứ hai 7 ngày đều sinh miễn dịch tốt.
Tuy nhiên, GS Lương nhận định, do thử nghiệm giai đoạn 1 trên quy mô nhỏ (20 tình nguyện viên/nhóm liều) nên chưa thể đánh giá được hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Để đánh giá chính xác, cần có số lượng mẫu hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người. “Vắc-xin sinh ra miễn dịch, từ miễn dịch đó có trung hoà virus hay không, kể cả trung hoà thì hiệu quả phải sát. Muốn đo hiệu quả thực tế, phải tung vào cộng đồng có dịch, ví dụ có 1.000 người tham gia thử nghiệm, 50% tiêm vắc-xin, 50% tiêm giả dược, sau đó phải thống kê có bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu ca không nhiễm ở 2 nhóm để đối chứng, lúc đó mới tính được”, GS Lương giải thích.
Sau cuộc họp, phía Học viện Quân y đề xuất tiếp tục tiêm 3 nhóm liều ở giai đoạn 2 với 560 tình nguyện viên. Ngoài nhóm tiêm vắc-xin, sẽ có nhóm tiêm giả dược để đối chứng. Trong giai đoạn 2, ngoài Học viện Quân y sẽ có thêm Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia thử nghiệm.
Đầu tuần sau, Học viện Quân y sẽ bắt đầu khám sàng lọc cho hơn 400 tình nguyện viên đã đăng ký và có thể triển khai tiêm những mũi đầu tiên vào ngày 24-25/2. Nếu giai đoạn 2 diễn ra suôn sẻ, dự kiến, từ giữa tháng 5 có thể thực hiện gối đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trên số lượng mở rộng từ 10.000-30.000 người, bao gồm tình nguyện viên tại các nước có dịch cộng đồng như Ấn Độ, Hungary, Bangladesh… Ở giai đoạn 3, việc có hay không tiêm ngay cho người Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ cao như lực lượng chống dịch, nhân viên cảng hàng không, tiếp viên hàng không… sẽ do Hội đồng Đạo đức quyết định, căn cứ trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á rất chủ động và quyết liệt trong tiếp nhận vắc-xin phòng COVID-19 của COVAX facility. Theo đó, cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì Việt Nam sẽ có 2 nguồn vắc-xin về. Đó là nguồn từ chương trình của COVAX facility với hơn 4,8 triệu liều và nguồn nhập khẩu hơn 200 nghìn liều. Sau đó 3 tháng, Việt Nam sẽ có thêm 5 triệu liều vắc-xin. Ngọc Lâm |
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện ra điểm chung của những người dễ lây nhiễm COVID-19, đó là chỉ số khối cơ thể...