Sau vụ BVĐK Hoài Đức: Mối nguy lạm dụng quỹ BHYT
"Sự việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức là một bằng chứng rõ ràng về việc rút ruột bảo hiểm y tế (BHYT)".
Câu hỏi đặt ra đây chỉ là trường hợp cá biệt hay việc làm đó vẫn đang âm thầm diễn ra ở các cơ sở y tế khác? Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), nói:
Nhân bản xét nghiệm là trường hợp cá biệt ở BV Hoài Đức hay việc làm đó vẫn đang âm thầm diễn ra ở các cơ sở y tế khác?
Chúng tôi đã biết sự việc này từ tháng 5.2013 và đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội rà soát lại toàn bộ chi phí liên quan đến xét nghiệm của quý 1, quý 2 năm 2013 và năm 2012 tại bệnh viện Hoài Đức. Bước đầu BHXH Việt Nam nhận định đây là một hình thức lạm dụng quỹ BHYT. Chúng tôi đang yêu cầu BHXH Hà Nội phân lập xem có bao nhiêu hồ sơ làm khống để thanh toán rút quỹ BHYT, đồng thời những hồ sơ thật làm xét nghiệm cũng cần được rà soát lại để tìm đúng bệnh cho người bệnh.
Buồng lấy bệnh phẩm, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức
Năm 2012, tổng chi phí BHXH thanh toán cho bệnh viện đa khoa Hoài Đức là 14 tỉ đồng, trong đó chi phí xét nghiệm cận lâm sàng là trên 2 tỉ đồng. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH Hà Nội làm rõ trong 2 tỉ đồng chi phí xét nghiệm đó thì có những chi phí nào không hợp lý, thậm chí làm cả giám định ngược, nghĩa là về tận nơi cư trú, làm việc của bệnh nhân xem người này có thực hiện khám chữa bệnh hay không.
Ngay sau sự việc trên, BHXH Việt Nam đã thanh kiểm tra thế nào với bệnh viện đa khoa Hoài Đức cũng như các cơ sở y tế nói chung?
Trước hết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH Hà Nội rà soát toàn bộ quy trình giám định tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức; đồng thời có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát xem đã thực hiện quy trình tính đúng, đủ theo quy định của BHXH hay chưa. Đặc biệt đối chiếu sổ sách, quy chế bệnh viện theo đúng quy định. Tất cả BHXH các tỉnh báo cáo trong tháng 8, riêng Hà Nội báo cáo trước 15.8.
Dư luận lo ngại rằng tình trạng rút ruột BHYT như trên còn xảy ra ở nhiều nơi khác mà chưa được phát hiện. Việc này sẽ làm giảm chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT cũng như lòng tin vào BHYT của người dân khi mà chúng ta đang tiến tới BHYT toàn dân?
Đây là một trong những việc mà BHXH Việt Nam và người làm công tác giám định lo ngại. Ngay từ năm 2011, BHXH Việt Nam đã xây dựng đề án thay đổi phương pháp giám định: đó là giám định theo tỷ lệ (chọn ngẫu nhiên một tỷ lệ hồ sơ thanh toán (mẫu) để thực hiện giám định, tỷ lệ sai sót của mẫu được áp dụng để thanh toán đối với toàn bộ số hồ sơ còn lại). Việc thực hiện cách tính này đang được BHXH Việt Nam xin ý kiến thực hiện trên diện rộng sau khi đã thí điểm tại bảy địa phương. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng BHYT hiện nay.
Sự việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức cho thấy việc làm này quá dễ dàng và liệu nó có xảy ra tại nhiều địa phương khác và BHXH có phát hiện ra?
Có lẽ sự việc ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức là hết sức đặc biệt với việc nhân bản chứng từ trên lượng lớn. Kiểm tra ở các địa phương khác chúng tôi cũng có phát hiện hiện tượng này nhưng chỉ lẻ tẻ, một vài trường hợp cá biệt như thanh toán thêm, thanh toán khống để tăng nguồn thu. Trách nhiệm của BHXH và giám định viên là phân tích những dịch vụ nào phù hợp. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện thanh kiểm tra tại bảy tỉnh về giá dịch vụ y tế mới. Nhìn chung các địa phương thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có nơi thu thêm một số khoản như tăng thêm ngày điều trị để tăng thêm ngày sử dụng giường cho người bệnh. Chúng tôi đã có văn bản chấn chỉnh việc này kịp thời.