Sau tiêm vaccine phòng COVID-19: Có nên tập luyện thể dục thể thao?
Sau tiêm vaccine phòng COVID-19 nhiều người băn khoăn liệu có nên tập luyện ngay không và tập thế nào cho phù hợp? Các phản ứng sau tiêm có ảnh hưởng đến việc tập luyện hay không?...
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là cách tốt nhất để chúng ta có thể quay trở lại trạng thái cuộc sống lao động sinh hoạt hàng ngày bình thường trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên tập luyện như thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là biện pháp tốt nhất để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
1. Có nên tập luyện ngay sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19?
Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc tập luyện thể dục thể thao sau tiêm vắc-xin gây nguy hại và cũng không có bằng chứng cho thấy tập luyện ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin.
Việc tập hay không hoàn hoàn tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể của mỗi người. Không thể dự đoán chính xác phản ứng của cơ thể đối với vắc-xin, mỗi cơ thể có phản ứng khác nhau, những người trẻ tuổi thường hay gặp tác dụng phụ hơn, có thể do hệ miễn dịch đáp ứng mạnh hơn.
Tác dụng phụ của vắc-xin thường nhẹ và biến mất sau vài ngày. Hay gặp nhất là sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa…, một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng có thể tập sau khi tiêm, tuy nhiên nên chú ý lắng nghe cơ thể mình, hãy nghỉ ngơi một vài ngày sau tiêm nếu thấy không đủ khỏe để tập, bởi các tác dụng phụ nếu có sẽ làm giảm chất lượng và hiệu quả của việc tập luyện.
Tuy vậy, cũng có nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên hoạt động thể chất quá sức trong khoảng 1 tuần đầu hoặc lâu hơn sau mỗi mũi tiêm. Khuyến cáo này dựa trên báo cáo từ Cơ quan y tế Bỉ về một số trường hợp gặp vấn đề về tim phải nhập viện ở vận động viên đua xe đạp từ 15-17 tuổi thi đấu ngày thứ 2 sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Theo công bố của Cơ quan y tế Singapore, một thiếu niên 16 tuổi bị ngưng tim sau khi tập nâng tạ 6 ngày sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Bộ Y tế Singapore khuyến cáo người dân tránh hoạt động mạnh, tập luyện thể dục thể thao cường độ cao trong 1 tuần sau khi tiêm.
Cơ tim có thể bị viêm ở một số ít người vận động mạnh sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Bác sĩ Tan Huay Cheem tại Trung tâm Tim mạch Đại học quốc gia Singapore, nhận định: "Do nguy cơ viêm cơ tim ở nam giới trẻ tuổi sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, bạn nên tránh tập thể dục, đặc biệt bài tập với cường độ trung bình đến cao, trong một tuần đầu sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Lý do là chúng ta không thể dự đoán ai sẽ bị viêm cơ tim sau khi tiêm ngừa, dù tỷ lệ mắc bệnh thấp".
Bác sĩ Van der Mieren tại Brussels cho biết: "Có thể có vấn đề về phản ứng miễn dịch khi vắc-xin tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Phản ứng này dường như có thể ảnh hưởng đến cơ tim". Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cần có thời gian nghỉ ngơi.
Bác sĩ tim mạch Guido Claessen của Đại học Leuven (Bỉ) nhận định: "Bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng viêm cơ tim, ngay cả những người không phải là vận động viên. Khi chơi thể thao, bạn sẽ gây thêm căng thẳng cho cơ. Vì vậy, cần có ít nhất một tuần nghỉ ngơi, thậm chí hai tuần nếu có thể".
2. Tập luyện thế nào cho phù hợp sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19?
Hoạt động thể chất bao gồm tập luyện thể dục thể thao làm biến đổi các đặc điểm sinh lý của cơ thể, hệ thống tim mạch, hô hấp cần tăng cường hoạt động để cung cấp năng lượng, oxy cho vận cơ.
Khi cơ thể mệt mỏi hoặc có những phản ứng sau tiêm vắc-xin, các chức năng sinh lý của cơ thể sẽ giảm sút, đặc biệt là tim và phổi, các tình trạng đau nhức cơ khớp cũng làm hạn chế năng lực vận động, tập luyện hoặc gắng sức quá mức lúc này sẽ tăng gánh nặng cho các hệ thống cơ quan của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ tổn thương.
Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các tác dụng phụ và tình trạng sức khỏe của mỗi người có thể lựa chọn một số bài tập hay động tác tập nhẹ nhàng và theo dõi phản ứng của cơ thể, tập luyện những vùng cơ thể không ảnh hưởng như các bài tập lưng, bụng, hông, chân thay cho các bài tập tay nếu đau cơ tay do tiêm….
Tập luyện nhẹ nhàng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để tránh các biến cố sức khỏe có thể xảy ra.
Đi bộ chậm thay vì tập các bài tập sức mạnh, công suất, cường độ lớn như tâp tạ, các bài tập HIIT (High Intensive Interval Training là phương pháp tập ở cường độ cao ngắt quãng hay còn gọi là Cardio cường độ cao, giúp đốt cháy mỡ thừa) … Một số bác sĩ tim mạch Singapore thậm chí khuyến cáo nên hạn chế tập ngay cả với cường độ trung bình các bài tập tạ, đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe hoặc bơi trong ít nhất một tuần sau khi tiêm.
Tuyệt đối không tập và cần được theo dõi sát, xử trí kịp thời khi có các tình trạng choáng váng, đau đầu, đau ngực, khó thở, sốt, đau bụng, tiêu chảy, thay đổi tần số mạch, huyết áp.
Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cung cấp đầy đủ các chất cần thiết cho nhu cầu hoạt động của cơ thể. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, các chất điện giải, uống đủ nước để tăng cường sức đề kháng, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể.
Tập luyện thể thao không bị cấm hoàn toàn, hãy hoạt động nhẹ nhàng nếu có thể, nhưng đừng lên kế hoạch cho việc thi đấu, những thử thách lớn hoặc các môn thể thao đòi hỏi tính cạnh tranh khi mới tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Sau khi tiêm phòng vắc-xin, trẻ có thể bị sốt, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Dưới đây là một số cách đơn giản tại...
Nguồn: [Link nguồn]