Sau Tết dương lịch, bệnh tiêu chảy do Rotavirus vào mùa

Hơn 2000 trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau nghỉ Tết dương lịch, các chuyên gia cảnh báo bệnh tiêu chảy do Rotavirus đang rình rập trẻ.

Trẻ suy kiệt vì tiêu chảy

Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 6/1, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm bệnh nhân xếp hàng chờ khám.

Các bác sĩ cho biết, thời tiết chuyển sang đông xuân cũng là giai đoạn cao điểm của tiêu chảy do Rotavirus. Tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung Ương, số lượng trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy ngày càng tăng.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy do Rotavirus là nôn nhiều khiến không ít gia đình lầm tưởng con bị ngộ độc thực phẩm. Một số bé có thể bắt đầu bệnh bằng các triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, nôn ói rất giống với cảm lạnh.

Chị Minh Phượng (Việt Trì,  Phú Thọ) cũng vừa phải đưa con đi cấp cứu dài ngày vì tiêu chảy. Ban đầu, khi bé ho, chảy nước mũi và quấy khóc, gia đình tưởng cháu bị cảm lạnh nên chỉ mặc thêm quần áo, nhỏ thuốc mũi.

Một ngày sau, con của chị Phượng bắt đầu sốt, nôn liên tục. Đến nửa đêm cháu bé đi ngoài phân lỏng. Lúc này, chị Phượng mới hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cháu bị tiêu chảy do nhiễm Rotavirus, phải vào viện điều trị hơn một tháng.

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày đầu tiên sau nghỉ Tết dương lịch, bệnh viện tiếp nhận từ 2.200 đến 2.500 trẻ đến khám và nhập viện.

Trong số này, có khoảng 30% số trẻ mắc bệnh hô hấp, gần 10% số trẻ mắc bệnh tiêu chảy, còn lại là do các bệnh lý khác như: sốt cao co giật, viêm phế quản…

Tiêu chảy khiến trẻ nôn, đi ngoài nhiều nên diễn biến nhanh, trẻ mất nước, suy kiệt nên khi đến khám, số bệnh nhi phải chỉ định nhập viện, truyền nước là nhiều hơn hẳn các bệnh lý khác.

Sau Tết dương lịch, bệnh tiêu chảy do Rotavirus vào mùa - 1 
 Các chuyên gia cảnh báo bệnh tiêu chảy do Rotavirus đang rình rập trẻ. Ảnh: Diệu Thu

Kháng sinh không thể tiêu diệt virus

Thạc sĩ Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tiêu chảy do virus thông thường nhưng phụ huynh hay coi thường hoặc hiểu nhầm tiêu chảy mùa đông sang bệnh khác. Virus này là một kẻ thù rất nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Học, tiêu chảy do virus là bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em. Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và phát tán nhanh do Rotavirus sau khi được thải qua phân của trẻ nhiễm bệnh có thể lưu lại trên tay vài giờ và trên các bề mặt rắn như: đồ chơi, chăn màn, quần áo trong vài ngày.

Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập cơ thể qua đường phân - miệng. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc phân màu xanh, có thể có đờm nhớt; tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến 20 lần/ngày.

Sau Tết dương lịch, bệnh tiêu chảy do Rotavirus vào mùa - 2

Tiêu chảy khiến trẻ nôn, đi ngoài nhiều nên diễn biến nhanh, trẻ mất nước. Ảnh: Diệu Thu

 

Thông thường, trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày bắt đầu đi ngoài. Trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Nhiều cha mẹ còn tưởng trẻ bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến có trường hợp nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, đe dọa tính mạng.

Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch nếu không được bù nước kịp thời.

Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Tuyệt đối không cho uống các loại nước ngọt, nước có gaz khi trẻ đang mất nước do tiêu chảy.

Nếu thấy trẻ mệt quá, bỏ bú, không ăn uống, không chơi, nằm li bì nên đưa đến bệnh viện. Cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy.

“Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn dẫn đến tình trạng trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí tử vong”, Thạc sĩ Trần Văn Học khuyến cáo.

Sau 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, hàng trăm bệnh nhi nhập viện do bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, sốt cao co giật.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, sau nghỉ Tết dương lịch, mỗi ngày Khoa cũng tiếp nhận  từ 100-130 bệnh nhi đến khám trong đó có khoảng chục bệnh nhi phải nhập viện vì các các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, sốt cao co giật, tiêu chảy.

Trẻ nhiễm Rotavirus có 3 biểu hiện:

- Nôn ói: Thông thường, trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Đặc biệt, ở những trẻ này, chất nôn là thức ăn chứ không lẫn các chất màu vàng, màu nâu như biểu hiện ở trẻ tắc ruột.

- Tiêu chảy cấp: Khi trẻ đi ngoài, phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu.

Ngoài ra, nhiều trẻ còn có biểu hiện sốt nhẹ, đau bụng, có thể có ho và chảy mũi nước.

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

(PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN