Sau mưa lũ, cẩn trọng với ngộ độc, tiêu chảy
Ngoài việc đề phòng dịch đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, sau khi bão tan, lũ rút, người dân cần đề phòng các bệnh như sốt xuất huyết, nước ăn chân, tiêu chảy, lỵ, thương hàn...
Ông Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi bão tan, lũ rút, Trung tâm đã khẩn cấp thành lập 2 đội cơ động xuống từng huyện để hỗ trợ địa phương cùng người dân phòng chống dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh đang có dịch đau mắt đỏ, vì thế ông Tâm lo ngại khi lũ rút, bà con phải dùng nước bẩn thì dịch đau mắt đỏ có thể bùng phát mạnh mẽ hơn. Do đó, Trung tâm đã chỉ đạo các huyện cung cấp đủ phèn chua, Chloramin B để bà con lọc nước sạch.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đang kiểm soát sốt xuất huyết bởi toàn tỉnh đã có hơn 160 ca sốt xuất huyết mắc mới. Ngoài việc đề phòng dịch đau mắt đỏ, sốt xuất huyết theo ông Tâm, người dân cần đề phòng các bệnh như sốt xuất huyết, nước ăn chân, tiêu chảy, lỵ, thương hàn. Do đó, đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con là vô cùng quan trọng.
Người dân vùng lũ ở Nghệ An đang thiếu nước sạch cho sinh hoạt.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, sau bão lũ, do khan hiếm thực phẩm, người dân có thể sử dụng thực phẩm bị nhiễm bẩn và ôi thiu, thiếu nước sạch nên dễ dẫn đến các nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy. Do đó, người dân nên chọn các thực phẩm tươi sống, hoặc ít nhất không có màu sắc, mùi vị lạ, không bị mốc và cố gắng ăn chín, uống sôi.
Ông Trần Đắc Phu – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để đề phòng dịch bệnh sau bão lũ, Cục cũng vừa có công văn chỉ đạo các tỉnh vùng lũ thực hiện các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh. Cụ thể, cán bộ y tế cần hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, xử lý rác thải, xác súc vật chết. Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực đã từng bị ngập lụt; duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giờ sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; Cung cấp kịp thời thuốc và vật tư phòng chống dịch cho bà con.
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động triển khai kế hoạch thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B và các hóa chất khử khuẩn thông thường khác để có nước sạch tại các vùng trọng điểm ngập lụt.