Sau khi hồi phục, rất hiếm trường hợp F0 bị tái nhiễm
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy ít nhất trong vòng 6 tháng sau khi hồi phục, rất hiếm trường hợp F0 tái nhiễm.
Vượt qua COVID-19 là chiến thắng ngoạn mục của nhiều bệnh nhân, được xuất viện là niềm vui nhưng nhiều người bệnh vẫn có những lo lắng trước nguy cơ bị tái nhiễm SARS-CoV-2.
Chia sẻ cũng phóng viên, anh Đ.V.K công tác tại một đơn vị trên địa bàn TP.HCM, mắc COVID-19, có triệu chứng nhẹ, hiện đã được điều trị khỏi. Anh lo lắng về khả năng tái nhiễm bởi công việc của anh thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, hay phải tiếp xúc với các trường hợp mắc COVID-19.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đối với các bệnh truyền nhiễm nói chung, một người đã mắc bệnh thì trong cơ thể có kháng thể trung hòa bảo vệ nên không bị bệnh lại. Một số bệnh truyền nhiễm có miễn dịch suốt đời sau mắc bệnh.
Riêng COVID-19, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy ít nhất trong vòng 6 tháng sau khi hồi phục, rất hiếm trường hợp F0 bị nhiễm lại. Kháng thể có thể giảm dần sau 6-12 tháng. Tuy nhiên do bệnh còn quá mới nên phải có thời gian theo dõi thêm.
Tỷ lệ F0 tái nhiễm là rất hiếm
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trên thế giới có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy F0 sau khỏi bệnh có khả năng tự bảo vệ cơ thể cao hơn rất nhiều lần so với một người chưa bị bệnh (dù tiêm đủ 2 mũi vaccine).
Điều này có nghĩa một người khỏe mạnh tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn có thể bị nhiễm, còn người đã từng nhiễm bệnh thì khả năng tái nhiễm trở lại rất thấp. Như vậy, những người từng mắc bệnh, ít nhất trong vòng 6 tháng, hiếm có khả năng bị bệnh trở lại.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những kết quả của nghiên cứu về "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 – SIREN" tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus này giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.
Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine.
Theo công trình nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Maastricht University (Hà Lan) cho biết về trường hợp một người 89 tuổi tử vong sau gần 3 tuần mắc COVID-19 lần thứ 2. Kết quả phân tích cho thấy virus gây bệnh lần thứ 2 của người này có sự khác biệt về gen, có khả năng bà bị tái nhiễm SARS-CoV-2. |
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.
Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm sau một thời gian; một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.
Người bệnh nhiễm COVID - 19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy...
Nguồn: [Link nguồn]